Bịt kẽ hở, ngăn tình trạng nhiễu loạn đấu giá đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những phiên đấu giá đất với mức trúng đấu giá cao phi thực tế đã và đang diễn ra tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Đặc biệt, tại cuộc đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn và Thanh Oai những ngày cuối tháng 11 vừa qua xuất hiện các nhóm người có hành vi trả giá cao gấp hàng trăm lần thực tế rồi bỏ cuộc, gây rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến công tác quản lý của cơ quan chức năng. Vậy cách nào để chấm dứt tình trạng này?

Giá đất trên… sao Hỏa

Ngày 28-11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 28 thửa đất tại thôn Bình Xá, xã Bình Phú; tổng diện tích là 2.333,9m2; giá khởi điểm cho các lô đất dao động từ 3,780 - 5,796 triệu đồng/m2; bước giá 5 triệu đồng/m2 áp dụng chung với các thửa đất. Sau 21 vòng đấu giá công khai, minh bạch, đã xác định được 28 khách hàng trúng đấu giá với giá trúng 5 thửa đất có giá từ 160,796 - 185,796 triệu đồng/m2; 23 thửa đất có giá từ 63,780 - 128,780 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được (ước theo giá trúng) là trên 262,793 tỷ đồng. Với mức đấu giá lên tới hơn 185 triệu đồng/m2, người dân và giới chuyên môn nhận định đây là giá cao chưa từng có tại xã Bình Phú, trong khi giá khởi điểm mà huyện Thạch Thất đưa ra lại rất thấp.

Phiên đấu giá đất ở huyện Thạch Thất ngày 28-11-2024 với giá cao nhất là hơn 185 triệu đồng/m2

Phiên đấu giá đất ở huyện Thạch Thất ngày 28-11-2024 với giá cao nhất là hơn 185 triệu đồng/m2

Ngày 29-11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân tổ chức đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Giá khởi điểm các lô đất gần 2,5 triệu đồng/m2, đấu giá 6 vòng bắt buộc với bước giá mỗi vòng là 3 triệu đồng/m2. Quá trình tổ chức đấu giá, cơ quan chức năng nhận thấy tại vòng đấu thứ 5 có 36 thửa đất bị khách hàng trả giá cao bất thường. Trong đó có khách Phạm Ngọc T đã trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất; khách hàng Ngô Văn D trả giá hơn 100 triệu đồng/m2 cho 13 thửa đất; khách hàng Nguyễn Thế T trả giá hơn 98 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất; 2 khách hàng gồm Nguyễn Thị Quỳnh L và Nguyễn Đức T trả giá từ hơn 50 triệu đồng/m2 đến hơn 68 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất.

Đến vòng thứ 6 (vòng đấu bắt buộc cuối cùng) thì 6 khách hàng nêu trên đã không tiếp tục trả giá đối với 36 thửa đất. Kết thúc phiên chỉ có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất là hơn 32 triệu đồng/m2, cao nhất là hơn 50 triệu đồng/m2, tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 112 tỉ đồng. Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, kết thúc buổi đấu giá có 36 thửa đấu giá không thành là do tất các khách hàng đã không trả giá ở vòng 6 (vòng đấu cuối cùng). Bởi vậy, trong ngày 30-11, UBND huyện Sóc Sơn đã đề nghị Công an huyện Sóc Sơn kiểm tra, có phương án xử lý các nhà đầu tư đẩy giá cao bất thường gây nhiễu loạn dẫn đến đấu giá không thành 36 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến.

Tiếp đến, ngày 30-11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá 22 thửa đất tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động với mức khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2. Cuộc đấu giá phải qua tối thiểu 5 vòng bắt buộc với bước giá 5 triệu đồng/m2. Đến vòng thứ 8, giá cao nhất được trả là 70,3 triệu đồng/m2, nhưng đến vòng thứ 9 khách hàng đồng loạt không trả giá tiếp dẫn đến phiên đấu không thành công. Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, việc đấu giá thất bại ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của địa phương, UBND huyện đã đề nghị công an xác minh và nếu có dấu hiệu phá hoại buổi đấu giá thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Phiên đấu giá 22 thửa đất ở xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai ngày 30-11 không thành vì nhiều người trả giá cao ở vòng 8 rồi bỏ ở vòng 9

Phiên đấu giá 22 thửa đất ở xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai ngày 30-11 không thành vì nhiều người trả giá cao ở vòng 8 rồi bỏ ở vòng 9

Đâu là vấn đề?

Sau cuộc đấu giá ở huyện Sóc Sơn với mức trả 30 tỷ đồng/m2, ngày 3-12-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đã tạm giữ hình sự đối với các đối tượng liên quan đến vi phạm quy định đấu giá quyền sử dụng đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng trên là mức đặt cọc quá thấp do thành phố chưa ban hành bảng giá đất mới, giá khởi điểm được tính bỏ hệ số (K) trong bối cảnh giao thoa luật mới và luật cũ.

Trước tháng 2-2024 (thời điểm Nghị định 12/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực), mức giá khởi điểm thường được địa phương thuê tư vấn định giá. Các đơn vị tư vấn sẽ thẩm định dựa trên các tài sản so sánh đưa ra. Thành phố sẽ ủy quyền cho các quận, huyện chủ động xác định hệ số điều chỉnh (K). Mức giá khởi điểm được xác định bằng đơn giá tại bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh nên tương đối sát với giá thị trường. Sau khi Nghị định 12/2024/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, Hà Nội đã dừng việc ủy quyền đồng thời bỏ quy định cho thuê tư vấn. Trong khi thành phố chưa ban hành được bảng giá đất hàng năm sát với giá thị trường, việc tính mức khởi điểm dựa theo bảng giá đất được ban hành từ năm 2020 khiến liên tiếp các phiên đấu (từ tháng 8-2024 đến nay) ghi nhận mức khởi điểm thấp chưa từng có, chỉ từ vài triệu/m2. Thêm vào đó, cách tổ chức đấu giá nhiều vòng cũng tạo kẽ hở khiến nhiều đối tượng lợi dụng để thông đồng nâng hoặc dìm giá.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, lợi dụng kẽ hở để làm nhiễu loạn thị trường đấu giá đất là hành vi rất tinh vi của nhóm đối tượng chuyên đầu cơ đất để “lướt sóng”, bán sang tay kiếm chênh lệch hoặc đẩy giá cho khu vực xung quanh. Từ việc lợi dụng cách tính giá khởi điểm ở mức thấp chưa từng có, nhóm này dễ dàng tham gia các phiên đấu giá với số lượng đông. Do tiền đặt cọc đấu giá thấp, nếu bán chênh thành công có thể thu lãi từ 100 - 500 triệu đồng/thửa đất thì đây là lợi nhuận hấp dẫn các đối tượng đầu cơ trong bối cảnh thị trường nhà đất còn khó khăn như hiện nay. Do đó, đấu giá đất cần được xem là mặt hàng đặc biệt và phải có chế tài mạnh hơn để xử lý các sai phạm như bỏ cọc, bỏ đấu giá, hay “quân xanh, quân đỏ”. Về lâu dài, giải pháp áp thuế bất động sản theo năm sở hữu như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giúp giảm bớt động lực mua bán để đẩy giá của nhóm đầu cơ “lướt sóng”, phù hợp thông lệ quốc tế.

Khu đất đấu giá được trả 30 tỷ đồng/m2 ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn vào ngày 29-11 vừa qua

Khu đất đấu giá được trả 30 tỷ đồng/m2 ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn vào ngày 29-11 vừa qua

Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cũng cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều người tham gia đấu giá sẵn sàng trả giá cao phi lý rồi chấp nhận bỏ tiền cọc là bởi giá khởi điểm đưa ra đang quá thấp. Để chấn chỉnh tình trạng này, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Đất đai và chỉ đạo của Bộ TN&MT, sớm rà soát để điều chỉnh, cập nhật bảng giá đất, đảm bảo nguyên tắc thị trường. Khi giá khởi điểm trong đấu giá đất được kéo sát giá thị trường và tiền đặt cọc tăng theo thì các cuộc đấu giá sẽ trở nên chuyên nghiệp, lành mạnh hơn, thay vì tình trạng lộn xộn thời gian vừa qua.

Trao đổi với Báo An ninh Thủ đô, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho hay, đơn vị đang rà soát lại toàn bộ quy trình đấu giá đất tại các địa phương để có điều chỉnh. Đặc biệt, tới đây, theo quy định tại Quyết định 61/2024/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, việc đấu giá đất chỉ cho phép các tổ chức đủ năng lực tham gia sẽ hạn chế được tình trạng cá nhân “phá” hoặc “thổi” giá cao phi thực tế rồi bỏ cọc như thời gian qua.