Binh chủng phòng thủ không gian Nga vừa thành lập đã bị khai tử

ANTĐ - Ngày 24/12 vừa qua, tướng Viktor Bondarev - tư lệnh không quân Nga đã tuyên bố, nếu như quân đội Nga đẩy mạnh chuyển hướng phát triển các hệ thống tác chiến “Tam vị nhất thể” thì binh chủng phòng thủ không gian (VKO) của Nga sẽ quay về trực thuộc Bộ tư lệnh không quân.

Tạp chí “Russian Aviation News” đăng tải một thông tin làm giới quan sát quân sự chú ý, đó là rất có thể Bộ tư lệnh phòng thủ không gian Nga sẽ quay về trong biên chế của Bộ tư lệnh không quân.

Tướng Viktor Bondarev cho biết, lực lượng không quân Nga đang có kế hoạch xây dựng các điểm chỉ huy không gian thường trực, nếu quân đội Nga từng bước chuyển đổi sang các hệ thống tác chiến “Tam vị nhất thể” thì việc binh chủng phòng thủ không gian trở về trong biên chế của binh chủng không quân chỉ còn là vấn đề thời gian. Bởi vì, nếu không có các điểm chỉ huy không gian, lực lượng không quân sẽ không thể triển khai phòng thủ và kiểm soát không gian.

Binh chủng phòng thủ không gian vừa mới được thành lập và bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu ngày 01/12/2011, nó được cấu thành từ 3 bộ phận chính là: Bộ tư lệnh phòng không, đánh chặn tên lửa; Bộ tư lệnh hàng không vũ trụ và sân bay vũ trụ Plesetsk - thuộc tỉnh Arkhangelsk. Binh chủng này được tổ chức với mục đích đối phó với lá chắn tên lửa triển khai nhanh tại châu Âu của Mỹ và NATO.

Hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 được trang bị cho cả 2 binh chủng

Theo “kế hoạch vũ khí, trang bị quốc gia 2011 – 2020”, khoảng 20% ngân sách quân sự sẽ được đầu tư cho binh chủng phòng thủ không gian, trước năm 2020 binh chủng này sẽ đưa vào biên chế 100 thiết bị vũ trụ quân dụng. Bộ đội phòng không sẽ tiếp tục được trang bị hệ thống tên lửa S-400 tiến tiến nhất, hiện đã có 4 trung đoàn tên lửa phòng không S-400 đã đảm nhận nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu. Kế hoạch của Nga là đến trước năm 2020 sẽ hoàn tất trang bị cho 28 trung đoàn tên lửa S-400, hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới nhất S-500 cũng được kỳ vọng sẽ được trang bị hàng loạt vào năm 2015.

Các hệ thống radar cảnh báo tên lửa tầm xa kiểu mới Voronezh-M cũng đã được triển khai. Năm 2006, trạm radar dự cảnh đầu tiên được triển khai tại thành phố Leningrad, sau đó hệ thống radar này tiếp tục được triển khai tại Krasnodar và khu vực biên giới Kaliningrad. Hiện nay, trạm radar Voronezh-M ở khu vực Irkutsk đang trải qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.

Ông Viktor Bondarev nhấn mạnh, trên thực tế, nòng cốt của Binh chủng phòng thủ không gian Nga nguyên là bộ đội của Bộ chỉ huy chiến lược phòng thủ không gian thuộc Bộ tư lệnh không quân Nga chuyển sang. Vì thế việc điều chuyển trở lại sẽ không quá bất ngờ và không làm xáo trộn toàn bộ hệ thống tác chiến của Bộ tư lệnh không quân.

Radar phòng thủ tên lửa Voronezh-M
Rõ ràng, việc thành lập binh chủng phòng thủ không gian Nga là một quyết định vội vàng và thiếu tính toán. Trên thực tế, chiến trường của lực lượng không quân và phòng thủ không gian cũng là một, việc xé lẻ 2 lực lượng này ra không chỉ làm phân tán lực lượng phòng thủ không gian, dẫn đến chồng chéo về chức năng nhiệm vụ mà còn gây khó khăn cho công tác hiệp đồng tác chiến, làm giảm sức mạnh của lực lượng phòng thủ không gian Nga. Việc sáp nhập 2 lực lượng này lại dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh không quân dù muộn màng nhưng là quyết định sửa sai đúng đắn.