Big4 ngân hàng đồng loạt vượt mốc tỷ USD lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngân hàng quy mô nhỏ thì kết quả kinh doanh sơ bộ của 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) đều rất khả quan.

Bức tranh sáng của Big4

Nhìn vào kết quả kinh doanh sơ bộ, có thể thấy các ngân hàng có vốn Nhà nước đều khá khả quan, tất cả đều vượt mốc tỷ đô lợi nhuận.

Tại hội nghị tổng kết mới đây, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này năm 2023 tăng tăng 10,2% so với năm 2022 và hoàn thành kế hoạch được giao.

Dù không công bố con số cụ thể, song trước đó, trong năm 2022, ngân hàng này đã ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng và lãi riêng lẻ hơn 36.702 tỷ đồng. Như vậy, với mức tăng trưởng hơn 10%, ước lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm nay có thể đạt trên 41.000 tỷ đồng.

Với kết quả trên, Vietcombank đã xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận và tiếp tục giữ vững “ngôi vương” toàn hệ thống, bỏ xa các nhà băng trong nhóm Big4 còn lại như BIDV, VietinBank và Agribank.

Kết thúc năm 2023, huy động vốn thị trường I của Vietcombank đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức 0,97%; Dư quỹ dự phòng rủi ro theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng nợ xấu đạt mức 185%.

Các ngân hàng lớn ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan

Các ngân hàng lớn ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan

Một “ông lớn” khác là BIDV cũng duy trì được kết quả kinh doanh khá tích cực trong năm qua. Theo kết quả kinh doanh sơ bộ mà ngân hàng công bố, nhiều các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch được giao.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 26.750 tỷ đồng; khối công ty con đạt 1.290 tỷ đồng, và khối liên doanh đạt 945 tỷ đồng.

Tính đến cuối 2023, tổng tài sản BIDV đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%; dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát ở mức 1,1%; tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ Dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) đạt 192%.

Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2022. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,15%; tỷ lệ bao phủ nợ đạt 160%, duy trì ở mức cao.

Huy động vốn của VietinBank tăng 13,7%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 27%.

Đối với Agribank, Ngân hàng ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm đạt khoảng 25.300 - 25.400 tỷ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm trước.

Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,4%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.

Dự kiến sẽ có sự phân hóa lớn

Ngoài 4 “ông lớn” ngân hàng trên, một vài ngân hàng khác cũng đã hé lộ kết quả kinh doanh năm 2023. Trong đó, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tăng 50% so năm 2022, đạt 9.500 tỷ đồng và hoàn thành 100% kế hoạch đại hội đồng cổ đông đề ra.

Tổng tài sản Ngân hàng ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng; cho vay ước đạt hơn 487.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.

Hay PVCombank, lãnh đạo Ngân hàng tiết lộ năm 2023, Ngân hàng ước hoàn thành 129% kế hoạch doanh thu và 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lớn hơn 8%.

Dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng năm qua, PVCombank đặt mục tiêu doanh thu ngân hàng mẹ đạt 15.024,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng. Với ngân hàng hợp nhất, kế hoạch doanh thu là 15.559,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 109 tỷ đồng.

Dù một số nhà băng làm ăn tích cực trong năm qua, song dựa vào kết quả kinh doanh các quý trước, dự báo bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ có sự phân hóa lớn.

Trước đó, trong 9 tháng đầu năm đã ghi nhận tới 16/28 ngân hàng suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 1 nhà băng ghi nhận kinh doanh thua lỗ (NCB). Một số ngân hàng có mức sụt giảm lợi nhuận trước thuế lớn như: Eximbank (-76%), BacABank (-73%), ABBank (-65%), VietABank (-67%), VietBank (-66%), PGBank (-60%)…

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc, đi ngang trong năm 2023 và có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng trong 2024 với mức tăng trưởng khoảng 10%.

Trong trường hợp thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô hồi phục chậm, lợi nhuận các ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

Ngược lại, ngân hàng có bộ “đệm” mạnh hay những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn năm nay, sẽ có động lực tăng trưởng mạnh, kỳ vọng vượt bình quân ngành, với mức tăng trưởng lợi nhuận 18-20%.