- [ẢNH] Trung Quốc mượn lời WHO bác thông tin ‘dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán’
- [ẢNH] Binh sĩ Nga đeo khẩu trang kín mít tập duyệt binh cho Ngày Chiến thắng
- 668 thủy thủ trên tàu sân bay Pháp đã nhiễm Covid-19
Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân Covid-19 đến bệnh viện Widdicombe, NewYork
Mỹ qua đỉnh dịch, kêu gọi Trung Quốc “minh bạch”
Tổng thống Donald Trump ngày 15-4 cho rằng Mỹ đã qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và ông sẽ sớm đưa ra chỉ đạo dỡ bỏ các biện pháp cách ly xã hội, tái mở cửa nền kinh tế Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump nói: “Rõ ràng là chiến lược quyết liệt của chúng ta đang hiệu quả. Cuộc chiến vẫn tiếp tục, song các dữ liệu cho thấy toàn quốc đã vượt qua đỉnh dịch. Diễn biến đáng khích lệ này đã đặt chúng ta vào một tình thế cần phải đưa ra chỉ đạo cho các bang tái dỡ bỏ lệnh phong tỏa, mở cửa hoạt động trở lại”.
Mặc dù vậy, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại Mỹ vẫn tăng cao, với số ca tử vong được ghi nhận trong 24h qua cao kỷ lục là 2.569, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 28.326 ca, cao nhất thế giới. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng gần 30.000 ca trong 24h lên 644.089.
New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm 1/3 số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ. Nhằm tăng cường các biện pháp ngăn ngừa dịch tiếp tục lan rộng, từ ngày 18-4 tới, bang New York sẽ chính thức bắt buộc người dân mang khẩu trang tại nơi công cộng khi không thể đảm bảo giãn cách 2m an toàn với người xung quanh. Trong khi đó, lãnh đạo một số bang đông dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khẳng định tiếp tục áp dụng biện pháp nghiêm ngặt chừng nào vẫn cần thiết.
Liên quan đến đại dịch, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày
15-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng Trung Quốc vẫn còn đang che giấu các thông tin liên quan tới dịch Covid-19, vốn cần thiết cho phản ứng của toàn cầu. “Lẽ ra phía Trung Quốc đã có thể minh bạch sớm hơn và chia sẻ nhiều dữ liệu hơn. Khi đó, chúng ta sẽ có sự hiểu biết tốt hơn về con virus này và tìm ra cách xử lý nó” - ông Esper nói trên Đài Fox News. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Thậm chí đến hôm nay, chúng ta vẫn thấy họ che giấu các thông tin. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần làm nhiều hơn nữa và tiếp tục ép họ chia sẻ thông tin”.
Số ca nhiễm tăng kỷ lục, Nga hoãn lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng
Ngày 16-4, Nga ghi nhận thêm 3.448 ca nhiễm Covid-19, mức tăng cao kỷ lục so với con số 3.388 ca nhiễm mới một ngày trước đó. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 27.938 người. Trung tâm ứng phó với khủng hoảng Covid-19 của Nga cho biết, có 34 bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại Nga lên thành 232 người.
Thủ đô Matxcơva tiếp tục là địa phương có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất trong 24 giờ qua với 1.370 trường hợp, đưa tổng số người mắc bệnh lên 16.146 người.
Trước tình hình này, Điện Kremlin đã quyết định không tổ chức cuộc diễu binh nhân Ngày chiến thắng phát xít Đức trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại tại Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Matxcơva vào ngày 9-5 như truyền thống và lùi sự kiện này đến một thời điểm muộn hơn. Trước đó, ngày 15-4, các tổ chức cựu chiến binh của Nga đã viết thư cho Tổng thống Putin, đề nghị lùi cuộc diễu binh nhân Ngày Chiến thắng do dịch bệnh Covid-19. Bức thư lưu ý rằng cuộc diễu binh cần không phải là một nguy cơ, mà “thực sự là ngày lễ của hòa bình và an ninh cho tất cả những người tham gia”.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 15-4, Điện Kremlin đã bác bỏ chỉ trích về cách nước này giải quyết sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sau khi Trung Quốc cho rằng nguồn bệnh nhân Covid-19 “nhập khẩu” lớn nhất vào nước này xuất phát từ nguồn lây nhiễm ở khu vực Đông Bắc xa xôi, giáp với Nga.
Dịch Covid-19 tại Anh đạt đỉnh
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 16-4 tuyên bố, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây ra tại Anh đã bắt đầu đạt đỉnh. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định vẫn còn quá sớm để dỡ bỏ lệnh phong tỏa do virus sẽ lây lan một cách không thể kiềm chế nếu Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Bộ trưởng Hancock nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng còn quá sớm để tạo ra một sự thay đổi. Mặc dù chúng ta thấy tình hình số ca mắc bệnh, và thật may mắn số ca tử vong đều đã bớt căng thẳng, song vẫn chưa thuyên giảm. Nếu chúng tôi dỡ bỏ tất cả các biện pháp vào thời điểm hiện tại thì một lần nữa virus sẽ lây lan một cách không thể kiềm chế và chúng ta không thể để điều đó xảy ra”.
Số ca tử vong trong bệnh viện tại Anh do Covid-19 đã tăng thêm 761 lên thành 12.868 người, mặc dù số liệu thống kê khái quát cho thấy con số thực tế cao hơn rất nhiều.
Pháp ghi nhận hơn 17.000 ca tử vong
Bộ Y tế Pháp ngày 15-4 cho biết số ca tử vong do Covid-19 ở Pháp đã tăng thêm 1.438 ca, lên tổng cộng 17.167 ca. Đây là mức tăng ca tử vong nhiều nhất trong một ngày ở Pháp. Số ca tử vong trong bệnh viện là 10.643, tăng 541 người trong vòng 24 giờ. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 4.560 ca, lên tổng cộng 147.863 ca.
Số liệu ghi nhận tại các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội khác lên tới 6.524 trường hợp, tăng cao 924 ca so với ngày hôm trước, tuy nhiên đây là do cập nhật chưa đầy đủ của nhiều ngày dồn lại. Tổng cộng có 106.206 bệnh nhân xét nghiệm dương tính với virus, trong đó số người nhập viện là 31.779 song lần đầu tiên giảm so với ngày hôm trước. Hiện vẫn còn 6.457 bệnh nhân phải được chăm sóc đặc biệt, giảm 273 người so với ngày hôm trước và là ngày giảm thứ sáu liên tiếp. Tổng cục trưởng Tổng cục y tế Pháp Jérôme Salomon nói rằng đại dịch Covid-19 vẫn còn hoạt động mạnh và kêu gọi người dân Pháp tuân thủ nghiêm túc các biện pháp chống dịch.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo hơn 1/3 thủy thủ của tàu sân bay Charles de Gaulle đã mắc bệnh Covid-19. Sau khi trở về Pháp vào ngày 12-4, 1.767 thủy thủ đã được xét nghiệm tối 14-4 và 668 người nhận kết quả dương tính. Trong số 31 người nhập viện, một người phải đưa vào diện chăm sóc đặc biệt.
Mỹ: Ổ dịch Covid-19 trên tàu sân bay không liên quan đến Việt Nam
Giới chức Mỹ ngày càng chắc chắn rằng ổ dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của nước này liên quan tới các phi hành đoàn trên những máy bay ra vào tàu này, chứ không phải do chuyến thăm chính thức đến Việt Nam vào tháng trước.
Theo tờ Wall Street Journal số ra ngày 15-4, các quan chức Mỹ cho rằng các hoạt động ra vào của các máy bay trên tàu này là nguyên nhân khiến các thủy thủ đoàn nhiễm bệnh, chứ không liên quan tới chuyến thăm Đà Nẵng, Việt Nam, từ ngày 4 đến 9-3 vừa qua. Sau đó, một số thủy thủ đã có dấu hiệu bị ốm và có kết quả dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, không có thành viên nào trong số 5.000 người trên tàu được cho là đã nhiễm virus gây bệnh trước ngày 24 và 25-3, tức hai tuần sau chuyến thăm Đà Nẵng. Do thời gian ủ bệnh của Covid-19 là 14 ngày, điều này đã loại trừ khả năng chuyến thăm trên là nguồn lây bệnh cho tàu sân bay này.
Cho đến nay, đã có hơn 600 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên tàu USS Theodore Roosevelt, trong đó có 1 thành viên đã tử vong, 5 người phải nhập viện và 1 người đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Hải quân trên đảo Guam. Reuters dẫn lời bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết đa số các ca được xác nhận dương tính với virus corona trên tàu không có triệu chứng.