Biển Đông: Không chấp nhận hành xử phi pháp, cường quyền

ANTD.VN - Vụ việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông tháng 7-2019 đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Đây là bằng chứng cho thấy sự phức tạp khó lường của tình hình Biển Đông khi Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như tầm quan trọng của vùng biển này đối với các nước, cũng như đối với hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Biển Đông: Không chấp nhận hành xử phi pháp, cường quyền ảnh 1Biển Đông là không gian sinh tồn, sinh kế của các thế hệ, hàng triệu gia đình người Việt hôm nay và cả mai sau

Biển Đông - không gian sinh tồn, sinh kế của các thế hệ người Việt

Là một biển nửa kín với diện tích bề mặt khoảng 3,94 triệu km2, Biển Đông là một trong những biển lớn nhất thế giới. Đây là một trong những khu vực chiến lược quan trọng bậc nhất bởi bao gồm những tuyến đường hàng hải huyết mạch nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Á - châu Âu, châu Á - Trung Đông. Theo thống kê, trong số hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển, 45% phải đi qua Biển Đông. 

Ngoài đóng vai trò là con đường hàng hải quan trọng, Biển Đông được biết tới như một khu vực giàu tài nguyên như hải sản và dầu khí. Đây là một trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều đang khai thác và sản xuất dầu khí từ biển gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan... Đặc biệt, Biển Đông còn là vùng biển có nhiều tiền đề thuận lợi cho việc hình thành và tích tụ băng cháy, được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai. 

Với Việt Nam, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng bởi diện tích vùng đặc quyền kinh tế rộng tới hơn 1 triệu km2, tức là lớn gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền. Cứ khoảng 100km2 vuông lãnh thổ đất liền thì Việt Nam có 1 km bờ biển, và chỉ số này gấp 6 lần chỉ số trung bình toàn cầu. Do đó, biển có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế hiện nay, có tới 1/3 dân số Việt Nam sống nhờ biển. Theo ước tính, đến cuối thế kỷ XXI, Việt Nam sẽ có quy mô dân số khoảng 140 triệu người. Một quốc gia hướng biển như chúng ta thì Biển Đông là không gian sinh tồn, sinh kế của các thế hệ, hàng trăm triệu gia đình người Việt hôm nay và cả mai sau.

 Với các nước khác trong khu vực, Biển Đông cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Chẳng hạn với Trung Quốc, Biển Đông được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế nước này. Trong số 27 tuyến vận tải của Trung Quốc, 17 tuyến nằm trên Biển Đông, giúp kết nối Trung Quốc với 125 nước và vận chuyển 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào nước này. Về mặt địa chiến lược, Biển Đông là cửa ngõ duy nhất, là bàn đạp để Trung Quốc đi ra thế giới bên ngoài. Chính vì thế hiện nay, Trung Quốc xác định Biển Đông là điểm khởi đầu cho con đường tơ lụa trên biển, là trọng tâm của sáng kiến Vành đai - Con đường nhằm thực hiện “Giấc mơ chấn hưng Trung Hoa”.

Trung Quốc dùng “đường lưỡi bò” phi pháp để tạo ra “vùng chồng lấn” bất hợp pháp 

Giàu tiềm năng như vậy nhưng Biển Đông lại là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Trước hết, 8 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng yêu sách danh nghĩa đối với các đảo và quần đảo trên Biển Đông. Với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì có cả Trung Quốc, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Với quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận mình có chủ quyền, bao gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Ngoài quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn tuyên bố có chủ quyền lịch sử với một số khu vực ở Biển Đông.

Rồi không chỉ liên quan đến lợi ích của các nước ven bờ, Biển Đông còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc trên thế giới, nhất là quyền tự do hàng hải và tự do hàng không qua khu vực Biển Đông. Có thể nói Biển Đông chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao...; tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột. 

Trong bối cảnh đó, tham vọng chiếm hữu Biển Đông trái phép của bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ làm cho tình hình ở khu vực này thêm căng thẳng. Thời gian gần đây, thế giới và khu vực hết sức quan ngại với yêu sách ngang ngược “đường chữ U” - “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông. Không dựa trên cơ sở pháp lý nào, hoàn toàn trái với tinh thần của Công ước Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 của Liên hợp quốc, Trung Quốc tự cho phép mình gom lãnh hải của nhiều nước khác thành của mình trong “đường lưỡi bò”, chiếm tới 80% diện tích Biển Đông. Từ đó, Trung Quốc dùng “đường lưỡi bò” phi pháp để tạo ra “vùng chồng lấn” bất hợp pháp trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, từ năm 2014 đến 2017, Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp 7 bãi đá họ chiếm đóng của Việt Nam thành các đảo nhân tạo, biến một số bãi đá thành các cơ sở quân sự. Để tiếp tục các hành động phi pháp của mình, Trung Quốc phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường chữ U” - “đường lưỡi bò”.

 Đi liền với hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc còn ngăn cản Việt Nam với các đối tác thăm dò và khai thác dầu khí hợp pháp tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các hoạt động khảo sát, thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, điển hình như hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 ở khu vực phía Nam Biển Đông tháng 7-2019 này. 

Có thể thấy vấn đề Biển Đông đang ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường, chủ quyền biển đảo Việt Nam đang bị thách thức nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình hình trên là sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về tương quan lực lượng, sự khác biệt về lợi ích chiến lược, sự không nhất quán giữa lời nói và hành động, cách hành xử theo lối cường quyền, áp đặt, theo đuổi lợi ích vị kỷ, không thừa nhận và tôn trọng lợi ích chính đáng hợp pháp của các nước khác, cũng như lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Tôn trọng luật pháp quốc tế và sự chính nghĩa của Việt Nam

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc là hết sức quan trọng. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là: Các vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, các vấn đề liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương; bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích chung của khu vực. Giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn ở Biển Đông với chủ trương hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Biện pháp thì theo Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng: Việt Nam “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam theo luật pháp quốc tế”. 

Tháng 6-2012, Việt Nam thông qua Luật Biển, quy định rõ: Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với Công ước Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 của Liên hợp quốc và thực tiễn quốc tế. 

Bằng nhiều cách, nhiều kênh, Việt Nam khẳng định quan điểm đàm phán song phương với Trung Quốc về Hoàng Sa và đa phương cùng Trung Quốc và các nước, các bên liên quan về Trường Sa và các vấn đề khác ở Biển Đông. Việt Nam coi Trung Quốc và các nước ASEAN là những đối tác hợp tác quan trọng trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông.  

Năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Thỏa thuận này yêu cầu hai nước trong quá trình đàm phán phải “thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần” của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002.

Trong các tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc những năm gần đây, nghĩa vụ không làm phức tạp hay mở rộng tranh chấp được nhắc lại nhiều lần. Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc tháng 4-2015 nhất trí “cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, thúc đẩy hòa bình, hòa giải, ngăn ngừa xung đột. Phương hướng đó sẽ tiếp tục được Việt Nam thực hiện khi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Cách tiếp cận đúng hướng của Việt Nam đã tạo uy tín, sức mạnh mềm cho Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việc Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao sự minh bạch trong tiến trình giải quyết các tranh chấp, luôn giữ thái độ hợp tác khi xuất hiện những mâu thuẫn, đồng thời kiên trì giáo dục và bảo vệ ngư dân bám biển, luôn sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân thiên tai và biến cố môi trường không phân biệt quốc tịch, theo đúng tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ký kết năm 2002. Việt Nam đã sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân trên tàu cá     Philippines gặp nạn trên Biển Đông, được cộng đồng quốc tế ghi nhận tháng 6-2019 vừa qua. 

Chính Ngoại trưởng Philippines đã lên tiếng cảm ơn Việt Nam trên diễn đàn Liên hợp quốc tháng 6-2019 về sự cứu giúp kịp thời, thực tâm và đối xử nhân đạo, chở che đầy tình người giữa cơn hoạn nạn của tàu Việt Nam với tàu nước bạn trong cơn sóng dữ ở Biển Đông. Sự chính nghĩa của Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận không chỉ của người dân Việt Nam, mà còn với tất cả những người yêu chuộng công lý và hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới. Việt Nam tin tưởng rằng, việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong đàm phán sẽ giúp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và hiệu quả.