Biến cố khó lường

ANTĐ - Angeliki hôm đó vẫn đi làm bình thường trong khi Hy Lạp đang ồn ào với các cuộc biểu tình - chủ yếu nhằm vào cơ quan chính phủ. Lúc 14h, Angeliki - nữ nhân viên Ngân hàng Marfin Egnatia gọi cho chồng: Ngân hàng đang cháy. Không ai nghĩ đó lại là cuộc gọi cuối cùng của cô.

Nữ nhân viên ngân hàng xấu số vẫn “sống” trong ký ức gia đình và đồng nghiệp

Một ngày sóng gió 8h sáng 5-5-2010, Christos Papathanasopoulou đưa vợ Angeliki đến Ngân hàng  Marfin Egnatia, nơi cô làm việc với vị trí một nhà phân tích tài chính. Khu vực ngân hàng này chỉ cách Quảng trường Syntagma và trung tâm thương mại của thành phố Athens, Hy Lạp vài phút đi bộ. Họ sống cách đó chỉ 5 km tại một căn hộ nhỏ ở Vyronas do hai vợ chồng mua vài năm trước.

Khoảng 11h, Angeliki gọi điện cho mẹ và nói chuyện với chị gái Sissy, hẹn hôm đó, họ sẽ cùng ăn tối. Angeliki nói sẽ có tin tức thú vị để chia sẻ. 4 tháng mang thai đứa con đầu tiên, Angeliki và Christos đã lên lịch chiều hôm đó hẹn bác sỹ khám xem đó là bé trai hay bé gái. Kế hoạch là Christos sẽ đón vợ vào 3h chiều, nhưng khoảng 2h, Christos nhận được cuộc gọi từ người vợ 32 tuổi của mình: Ngân hàng đang cháy.

Trước đó, hôm chủ nhật 2-5, Bộ trưởng Tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu tuyên bố họ sẽ bơm 110 tỷ euro cho Hy Lạp để giải cứu thành viên này khỏi nguy cơ phá sản. Cứu trợ tài chính đồng nghĩa với việc người Hy Lạp phải cắt giảm và đóng băng các khoản thanh toán lương hưu và tiền lương cho viên chức. Tiền thưởng dịp lễ, tết cũng không còn trong khi thuế bị tăng lên.

Một cuộc đình công trên toàn Hy Lạp nổ ra ngày 5-5. Ước tính 100.000 người đổ ra đường phố Athens. Vào lúc cao trào, một nhóm đã cố xông vào tòa nhà Quốc hội ở quảng trường Syntagma, cảnh sát bạo động phải dùng vòi rồng và bom khói để đẩy lui đám đông. Gần đó, một tòa nhà của Bộ Tài chính bị phóng hỏa. Tình hình nguy cấp khiến Thủ tướng George Papandreou phản ứng: “Không ai được quyền dùng vũ lực, đặc biệt là bạo lực dẫn đến giết người”. 

Thiệt mạng vì những kẻ quá khích

Chừng 13h30, hàng chục người biểu tình đeo mặt nạ và găng tay tràn vào con phố Stadious sầm uất. Nhiếp ảnh gia Giorgos Moutafis nhớ lại, nhóm người này không thuộc phong trào chính trị nào, họ hô lớn “Đốt, đốt hết lũ nhà giàu”. Các cửa sổ bị đập vỡ, xăng bắn tung tóe trên sàn và khói đen bốc ra từ các cửa sổ của Ngân hàng Marfin Egnatia. Nhân chứng cho hay, đám người biểu tình lờ đi lời kêu cứu của nhân viên ngân hàng. Phần lớn các nhân viên khi đó tìm cách thoát ra khỏi tòa nhà đang cháy, 2 người khác bị thương do nhảy từ ban công tầng 2 xuống. Nhưng đáng tiếc thay, Angeliki và hai đồng nghiệp, Paraskeui 

Zoulia, 35 tuổi và Epameinondas Tsakalis, 36 tuổi đã thiệt mạng do ngạt khói độc. Chỉ khi đám cháy được dập tắt, người ta mới tìm thấy thi thể 3 người.

Cái chết của 3 nhân viên Ngân hàng Marfin Egnatia đã gây chấn động đất nước 11 triệu dân, những người đang phải đối mặt với chính sách khắc khổ vì nợ công. Michalis Chrysohoidis, Bộ trưởng Bộ Bảo vệ công dân Hy Lạp tuyên bố “Hôm nay là một ngày đen tối cho nền dân chủ… Những kẻ giết người sẽ bị bắt và bị trừng phạt”.

Vậy nhưng đã 2 năm trôi qua, vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm cho cái chết của 3 nhân viên ngân hàng xấu số. Ngày 18-6-2012, 4 nhân viên ngân hàng bắt đầu bị đưa ra điều trần với cáo buộc gián tiếp gây ra cái chết cho 3 người, gây thương tích cho 21 người khác do thiếu trách nhiệm trong an toàn lao động. Liên quan đến thảm kịch này, 5 người biểu tình cũng bị điều tra nhưng việc tìm chứng cứ rất khó khăn.