![]() |
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu thảo luận tổ |
Chiều 29-10, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (gọi tắt là dự án dùng 1 luật sửa 7 luật).
Phát biểu tại tổ Hà Nội sau khi nghe các ĐBQH cho ý kiến, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Trung ương là phải giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ các nút thắt cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.
Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ Chính trị mới đây là cần phải tập trung quyết liệt hơn nữa trong công tác này. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tham mưu, chủ trì xây dựng luật và các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chạy đua với thời gian để rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư công và dự án dùng 1 luật sửa 7 luật.
“Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến ĐBQH đều thống nhất đánh giá cao cơ quan soạn thảo luật đã quyết tâm, quyết liệt hoàn thiện các dự luật rất quan trọng là sửa Luật đầu tư công và dùng 1 luật sửa 7 luật để trình ra Quốc hội. Những chính sách lớn ở các dự luật cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc trong các lĩnh vực này.
Như nhiều đại biểu đánh giá, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán như một cuộc cách mạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay…” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
![]() |
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại thảo luận tổ |
Bên cạnh đó, qua thảo luận vẫn còn những băn khoăn, những ý kiến phân tích cần làm rõ hơn một số điều, quy định tại hai dự luật trên, nhất là các quy định về phân cấp, ủy quyền cho các địa phương trong Luật Đầu tư công (sửa đổi). Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài góp ý, việc tăng cường phân cấp, ủy quyền phải gắn với bố trí nguồn lực cho các địa phương.
Hay quy định về việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, theo Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đây là một bước tiến bộ lớn trong xây dựng luật.
“Thực tiễn vừa qua, việc giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư còn chậm do nhiều nguyên nhân, liên quan đến giá đền bù, rồi nguồn gốc đất của người dân và tổ chức...” - đồng chí Bùi Thị Minh Hoài phân tích.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận tổ ở đoàn ĐBQH TP Hà Nội chiều 29-10 |
Lấy ví dụ thực tiễn những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nhất trí với kiến nghị của các ĐBQH đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình những nội dung còn ý kiến khác nhau trong Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Cuối cùng, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, Quốc hội nên thông qua hai dự án luật quan trọng nêu trên trong 1 kỳ họp, bản chất là để tháo gỡ nhanh nhất các vướng mắc, ách tắc của nền kinh tế. Còn những nội dung nào “chưa chín” thì để lại, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện.