Bị phạt vì “châm ngòi” khủng hoảng

ANTĐ - JP Morgan Chase dù đã phải chấp nhận nộp phạt số tiền kỷ lục 13 tỷ USD vì góp phần “châm ngòi” cho cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 song các quan chức ngân hàng lớn nhất nước Mỹ này vẫn đứng trước nguy cơ bị truy tố hình sự.

Ngân hàng JP Morgan Chase đã đồng ý nộp phạt 13 tỷ USD

Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, Bộ Tư pháp Mỹ và Ngân hàng JP  Morgan Chase ngày 20-11 đã đạt được thỏa thuận chấm dứt vụ kiện mà theo đó ngân hàng lớn nhất nước Mỹ sẽ nộp phạt 13 tỷ USD do bán chứng khoán được bảo đảm bằng những tài sản thế chấp dưới chuẩn. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính, nối tiếp đó là cuộc đại suy thoái kinh tế tại Mỹ giai đoạn 2008-2009 rồi lây lan thành cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

Số tiền nộp phạt của JP  Morgan là khoản phạt kỷ lục trong các vụ kiện lớn nhất từ trước tới nay giữa chính phủ liên bang và một công ty Mỹ, phá vỡ kỷ lục khoản tiền phạt 4,5 tỷ USD với Tập đoàn Dầu khí BP của Anh hồi tháng 1-2013 do để xảy ra sự cố nổ dàn khoan Deepwater Horizon tại Vịnh Mexico năm 2010 khiến 11 công nhân thiệt mạng, gây ra thảm họa tràn dầu lớn bậc nhất lịch sử. Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng việc phạt nặng JPMorgan sẽ giúp khôi phục lại lòng tin của các nhà đầu tư tài chính. 

JP Morgan Chase là ngân hàng lớn nhất của Mỹ với tổng giá trị tài sản tới 2.509 tỷ USD. Thế nên, khoản tiền phạt và bồi thường 13 tỷ USD dù là kỷ lục song quá nhỏ bé so với tài sản của JP Morgan và cũng chỉ chiếm hơn một nửa khoản lợi nhuận 21,3 tỷ USD của ngân hàng này trong năm 2012.

Điều quan trọng nhất là khoản tiền phạt 13 tỷ USD có lớn thật, song xem ra không thấm tháp gì so với những thiệt hại mà JP Morgan đã gây ra cho các đối tác làm ăn của ngân hàng này, đặc biệt cho nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu. Trước cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008, JP  Morgan đã bán chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp có tính rủi ro cao như nhà đất, dẫn tới việc đổ “quân bài domino” nhà đất đầu tiên, góp phần châm ngòi cuộc khủng hoảng.

Cụ thể, JP Morgan đã bán lại nợ xấu - là những khoản cho vay mua nhà thành chứng khoán và quảng cáo rằng chúng giao dịch như cổ phiếu - cho hai tập đoàn tài chính bán công kiểm soát đến 90% tín dụng địa ốc trên toàn nước Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac. Khi hàng loạt chủ nhà mất khả năng chi trả, giá chứng khoán sụt giảm thê thảm, đẩy Fannie Mae và Freddie Mac tới vực thẳm phá sản, buộc Chính phủ Mỹ năm 2008 phải bơm khẩn cấp 140 tỷ USD để cứu vãn, quốc hữu hóa 2 tập đoàn này. Tính ra, JP Morgan gây thiệt hại hơn 33 tỷ USD cho Fannie Mae và Freddie Mac song nguy hại nhất là góp phần châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính dẫn tới khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và sau đó là trên toàn cầu. 

Thế nên, dù chấp nhận nộp phạt kỷ lục song một số quan chức cấp cao của JP Morgan vẫn đang phải đối mặt với khả năng bị truy tố hình sự về những hành vi gian lận thương mại. Ngoài một cuộc điều tra đang được tiến hành theo yêu cầu của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder, JP Morgan cũng phải phải đối mặt với 9 cuộc điều tra khác đang được tiến hành để làm rõ các cáo buộc về sai phạm trong hoạt động kinh doanh thời gian trước đây.