Bị 'lật mặt' vì chỉnh sửa ảnh chuyển khoản thành công để mua điện thoại xịn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với thủ đoạn chỉnh sửa hình ảnh, giao dịch thành công số tiền phải chuyển khoản, đối tượng Nguyễn Thị Thuý, SN 1984, HKTT tại tỉnh Nam Định đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người. Tuy nhiên, hành vi này của đối tượng đã không thể qua mắt được một quản lý cửa hàng điện thoại di động tại phường Kim Mã...

Theo tài liệu điều tra, ngày 8-10, Nguyễn Thị Thúy đã đến một cửa hàng điện thoại tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, để hỏi mua 1 chiếc điện thoại di động, trị giá khoảng gần 34 triệu đồng. Khi thanh toán, Thúy đưa ra hình ảnh thông tin đã chuyển khoản thành công đến tài khoản của cửa hàng.

Tuy nhiên, khi kiểm tra tài khoản thì cửa hàng chưa nhận được tiền. Nghi ngờ là hình ảnh giả mạo, nên quản lý cửa hàng đã báo cơ quan Công an và bắt giữ Thúy. Đối tượng sau đó được bàn giao cho Công an quận Ba Đình điều tra theo thẩm quyền.

Bằng việc móc nối với một số đối tượng lừa đảo, trước đó, vào đầu tháng 10, cũng với thủ đoạn tương tự, Thúy đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 10 triệu đồng của một chủ quán gội đầu tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Bị 'lật mặt' vì chỉnh sửa ảnh chuyển khoản thành công để mua điện thoại xịn  ảnh 1

Đối tượng Nguyễn Thi Thúy

Cơ quan điều tra nhận định, đây là một thủ đoạn mới, các đối tượng hoạt động rất tinh vi, kế hoạch lừa đảo được bàn bạc kĩ lưỡng, thời gian làm giả hình ảnh chuyển khoản chỉ mất chưa đầy 1 phút khiến nhiều nạn nhân không hề mảy may nghi ngờ.

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Thị Thúy khai nhận, khi cần chuyển khoản số tiền bao nhiêu, Thúy thực hiện các bước giao dịch bình thường, khi “số tiền” và tên “người nhận” hiện lên, đối tượng không bấm gửi, mà chụp lại màn hình, gửi qua cho “đồng bọn” dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh thể hiện giao dịch “giao dịch thành công” sau đó gửi lại cho đối tượng Thúy để lừa đảo.

“Việc tạo ra hình ảnh đó là không hề khó về mặt kỹ thuật, có thể làm giống 100% các ảnh chụp màn hình của điện thoại, đó là lý do vì sao nhiều người dễ bị lừa. Tôi nghĩ rằng đối với những người bán hàng trực tuyến tốt nhất nên kiểm tra xem có tin báo tài khoản ngân hàng của mình đã nhận tiền chưa thì hãy thực hiện việc chuyển hàng để tránh bị lửa đảo” – ông Nguyễn Minh Đức – Chuyên gia an toàn mạng – CEO Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar cho hay.

Theo các chuyên gia công nghệ, hiện có những website có thể tạo biên lai chuyên tiền giả mạo giống thật đến gần 100%. Thậm chí, trên các trang mạng xã hội, dịch vụ làm biên lai chuyển khoản được quảng cáo công khai, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia trong các hội nhóm. Các bài đăng cũng quảng cáo có thể làm giả biên lai của đủ các ngân hàng.

Theo khảo sát, nhiều đối tượng sẵn sàng cung cấp các biên lai giả của nhiều ngân hàng khác nhau với mức giá từ 20.000 - 100.000 đồng mỗi lần.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, người dùng chỉ nên kiểm tra giao dịch trên ứng dụng ngân hàng đang sử dụng. Khi không thấy biến động số dư, tuyệt đối không kích vào đường link, hay gọi điện theo những số điện thoại do các đối tượng lạ cung cấp. Vì đây có thể là những đường link giả mạo để đánh cắp thông tin tài khoản, từ đó chiếm đoạt toàn bộ tiền của người dùng.