Bí kíp “luyện… chồng”

ANTĐ - Vì công việc "luyện chồng" chứa đầy may rủi và cần sự trợ giúp của thời gian nên rất có thể nhất thời bạn thất bại. Nếu thế bạn cần phải học thêm "phép thắng lợi tinh thần" của AQ. Dù chồng bạn có tệ đến mấy bạn cũng cứ tự nhủ rằng "vẫn còn hơn chồng khối đứa!"

Không phái "bí kíp luyện rồng" đâu nhé, đây là bí kíp “luyện chồng” giúp cho những ai đã, đang và (nhất là) sắp làm cô dâu "luyện chưởng" để tạo nên một ông chồng như ý. Chú thích là cũng như chữa bệnh, những bí kíp này phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Bạn nên tiến hành ngay từ khi lên kế hoạch kết hôn với đối phương, cùng lắm là ra tay lúc anh chàng vừa "lơ ngơ mới về" mới mong mang lại "sản phẩm" tốt nhất có thể.

Trước tiên bạn phải thuộc nằm lòng câu thơ này: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên". Tương tự như thế, chồng bạn "hiền" hay "dữ”; chăm chỉ hay lười nhác... phần nhiều là do cách mà bạn... giáo dục anh ta ra sao khi (chẳng may) anh ta rơi vào tay bạn. Đừng trông mong gì ở nhà trường hay gia đình (vì mẹ anh ta có khi đã làm hỏng anh ta từ bé khi chăm sóc cục cưng đến tận răng rồi, còn nhà trường chẳng dạy những việc vớ vẩn ấy đâu. Nếu số phận xô đẩy bạn vớ phải những thành phần "em chã" như thế, bạn phải xác định rằng để "cải tạo" y vừa tốn thời gian, vừa phải kiên nhẫn và áp dụng triệt để những phương pháp cứng rắn một cách linh hoạt nhất (theo kiểu "mềm nắn rắn buông") may ra mới thành công.

Một lưu ý nữa là bạn phải biết kết hợp nhịp nhàng giữa những đòn tâm lý chiến và những pha "hành động cách mạng". Vừa thủ thỉ đổ đường rót mật vào tai đối phương vừa phải “cầm tay chỉ việc" nếu không anh ta sẽ dễ mắc bệnh "lờn thuốc" vì "lời nói gió bay" anh ta sẵn sàng bỏ ngoài tai ngay.

Đàn ông đều khoái mặc định rằng việc nhà là dành riêng cho phụ nữ (mà nói thật nhé, nếu anh nào không nghĩ thế, cứ thích đi chợ nấu cơm thì có khi chị em ta cũng chả dại mà rước về nhà, vì thế nào cũng lăn tăn là đối phương hơi ít chất nam tính(!?) chưa kể biết đâu vớ phải đối tượng "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành" thì nguy). Vì những mâu thuẫn ấy mà mặc dù chả thích thú gì (nhiều khi còn rất hậm hực) nhưng phụ nữ cứ phải nai lưng ra "bao đồng" mọi việc nhà, chấp nhận coi chồng như "thằng cu lớn" trong nhà (có lớn mà chả có khôn, ham ăn lười làm).

Nhưng nếu bạn cảm thấy, mình chả tội gì vì ba cái suy nghĩ bảo thủ cố hữu ấy mà phải lao động quần quật cả ngày, thì hãy bắt đầu “nổi dậy" ngay từ bây giờ. Tức là chúng ta phải thống nhất quan điểm với đối phương rằng làm việc nhà không có nghĩa là thiếu nam tính. Ngược lại, đây là một hành động rất "nhân văn", một quan điểm sống rất hiện đại, tạo nên một gia đình kết nối rất thân ái và vân vân (nhớ là dùng những lời lẽ thuyết phục với thái độ thật chân thành, đảm bảo chồng bạn sẽ dần bị lung lạc ý chí.

Bây giờ thì hãy xắn tay áo lên, ta bắt đầu công việc "luyện chồng"!

Đầu tiên là chuyện bếp núc, đừng bao giờ coi đây là cõi riêng của bạn mà hãy biến nơi đây thành thiên đường của chồng bạn. Hình như với đàn ông thì tình yêu đi qua dạ dày rồi mới đến tim (mà lâu dần lão hóa có khi không đến được tim nữa đâu(!?), cho nên bạn phải tận dụng triệt để điểm yếu này của đối phương. Nghe nói có những người nhờ nấu ăn giỏi mà giữ được chồng nhưng bạn đừng bao giờ để mình bị rơi vào tình cảnh bi thảm này (vì khi ấy bạn chẳng khác nào một đấu bếp riêng của chồng mình mà thôi).

Tất nhiên bạn phải thủ sẵn vài món tủ mà chồng thích để thưởng cho anh ta mỗi khi đang được khen ngợi hoặc để anh ta tự hào mỗi khi mời bạn bè hoặc họ hàng tới nhà. Nhưng hãy khiến cho chồng bạn phải có nhiều món tủ hơn, khi ấy anh ta sẽ có nhiều cớ để vào bếp hơn. Món tủ có thể là bất cứ món gì đơn giản trong bữa cơm hàng ngày, hãy nấu món ấy thật dở và khen hét lời mỗi khi chồng ra tay. Từ đó mặc định, hễ cứ món xào, món rán hoặc nấu canh hay rim thịt là "đến lượt anh vào bếp, anh yêu!". Hãy cư xử sao cho anh ta cảm thấy việc vào bếp nấu những món ngon cho vợ con không chỉ là một niềm vui mà còn mang lại cho cả nhà những bữa ăn ngon tuyệt. Nếu bạn "cao tay” dần dần có khi chồng bạn còn xung phong vào bếp ngay cả khi bạn không yêu cầu.

Đàn ông là chúa hay ở bẩn nên việc giặt giũ, dọn phòng, lau nhà nhiều ông khoan trắng cho vợ hoặc chây ì, buộc vợ phải ra tay nếu không muốn phải chịu đựng những mùi khó ngửi. Bạn đừng để mình mắc phải cái bẫy này mà đầu tiên hãy dùng chiêu "gậy ông lại đập lưng ông". Cứ để mặc kệ cho tới khi chồng bạn chả còn đến cả cái cà vạt nào sạch sẽ để diện đi làm, còn đồ đạc trong nhà thì lộn xộn, chăn màn bốc mùi xưa cũ... Có thể anh ta sẽ cằn nhằn hoặc sẽ tá hỏa lên vì những màu sắc, hình khối, mùi vị cực kỳ ấn tượng xung quanh "đập" vào các giác quan. Khi ấy bạn mới nhẹ nhàng “cầm tay chỉ việc", vừa làm vừa bảo rằng em cũng bận quá chả còn lúc nào mà làm nữa, anh giúp em một tay với... Vài lần như vậy, đảm bảo chồng bạn sẽ không dám coi những việc trên là việc của người khác nữa.

Sinh con không phải thiên chức của đàn ông nhưng chăm sóc con thì đương nhiên là nghĩa vụ và trách nhiệm của cả hai người. Hãy tạo cho chồng nhiều cơ hội để chăm sóc con hơn, nên nhớ là việc gì bạn làm được thì chồng bạn cũng làm được (trừ việc cho con bú!). Vì thế chồng bạn có thể giúp bạn từ việc nhỏ như pha sữa, thay bỉm lúc đêm hôm cho tới việc phức tạp hơn như nấu bột nấu cháo, cho con ăn và sau này là tắm rửa, dạy con học bài... Việc này rõ là "nhất cử lưỡng tiện", vừa san sẻ bớt việc cho bạn, vừa giúp chồng bạn càng gần gũi và yêu thương con hơn. Đến mức có khi đang mải tụ tập ở đâu sau giờ làm, chỉ cần con gọi một tiếng là chồng bạn cung cúc chạy vội về nhà hoặc thậm chí từ khi có con chồng bạn ít đàn đùm hẳn. Nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng sẽ dùng con để giữ chồng vì hình như một khi anh ta đã "lạc lối" rồi thì khó tìm đường về lắm, nên tốt nhất đừng để bị "đi lạc".

Và cuối cùng, hãy thắt chặt sợi dây tình cảm trong gia đình bạn. Nếu chồng bạn không (hoặc chưa) có những kỹ năng thể hiện tình cảm bằng cả hành động và lời nói, bạn hãy bỏ qua những ngại ngần hay tự ái vớ vẩn để bộc lộ tình cảm với "đối tác". Sau đó sẽ khéo léo cài đặt thông điệp rằng "đó cũng chính là những gì em muốn nhận được từ anh". Hãy nhớ rằng tình cảm không chỉ kết nối, nó còn có thể xóa nhòa mọi khác biệt và hàn gắn gia đình. Có nó thì dù bạn và chồng bạn có xung khắc đến đâu chăng nửa thì gia đình bạn vẫn cứ là "vững như bàn thạch"!

Vì công việc "luyện chồng" chứa đầy may rủi và cần sự trợ giúp của thời gian nên rất có thể nhất thời bạn thất bại. Nếu thế bạn cần phải học thêm "phép thắng lợi tinh thần" của AQ. Dù chồng bạn có tệ đến mấy bạn cũng cứ tự nhủ rằng "vẫn còn hơn chồng khối đứa!" và cứ kiên nhẫn "luyện" tiếp, như bạn đã từng nhiều lần trong đời gạt qua thất bại để tiếp tục sống "cái gọi là cuộc đời mình" (chữ dùng của nhà văn Trần Thanh Hà đấy nhé!)