Bi kịch từ mối tình lầm lỗi

ANTĐ - Ở cái tuổi đẹp nhất đời con gái, khi Thu Trà cùng chúng bạn xúng xính đến giảng đường thì biến cố xảy ra khiến giấc mơ đại học dang dở. Gia đình hoang mang, xấu hổ và rồi bi kịch bi kịch đã xảy ra khi đứa con của Trà vừa sinh ra mang trong mình bệnh bại não bẩm sinh.

Đường học lỡ dở

Nguyễn Thị Thu Trà, năm nay vừa tròn 20 tuổi, sinh ra trong một gia đình đông con ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Cả nhà làm nông nên năm thành viên gia đình Trà chỉ trông chờ vào hơn hai sào ruộng. Dù nghèo, nhưng bố mẹ Trà vẫn cố gắng cho con cái ăn học đến nơi chốn, ba chị em đều được theo học bằng bạn bằng bè. Từ nhỏ, Trà được bố mẹ chiều chuộng hơn cả vì hay đau ốm. Năm 2010, Trà tốt nghiệp cấp 3, nhìn bạn bè đua nhau làm hồ sơ thi vào đại học cô cũng ao ước một lần được bước vào giảng đường. Vì Trà biết nhà mình nghèo, bố mẹ vất vả hôm sớm nên cũng lấy làm phân vân lắm. Hiểu nỗi lòng con gái, bố mẹ ủng hộ và khuyên nhủ, rồi Trà làm hồ sơ vào trường cao đẳng sư phạm Nha Trang, khoa Giáo dục mầm non. Đầu óc non nớt của cô gái quê chỉ có hai dự định, nếu thi đỗ thì sẽ theo học, còn không cũng sẽ vào Nam làm công nhân giày da. Không ngờ, năm đó Trà thi đỗ.


Đứa cháu bé bỏng của ông Hồng, bà Ngọc sớm mang căn bệnh hiểm nghèo

Ngày nhập học, nhìn con háo hức chuẩn bị mà bố mẹ Trà lấy làm hãnh diện với hàng xóm láng giềng. Ngày tháng trôi đi, Trà dần quen với cuộc sống sinh viên. Bẵng đi thời gian, bỗng một ngày nọ, bố mẹ cô chết lặng khi nhận được điện báo của giáo viên chủ nhiệm lớp Trà học. Cô nói, với kinh nghiệm của một phụ nữ, cô biết, Trà đang có dấu hiệu của người mang thai. Không tin nổi khi nhận tin báo, mẹ Trà ngất xỉu rồi ốm liệt giường. Trong nỗi nhớ con và lo lắng, bà Ngọc - mẹ Trà ủ rũ như tàu chuối bị đốn hạ. Với người mẹ thôn quê ấy, cái tin đó như tiếng sét đánh giữa trời quang “ai mà ngờ được đứa con gái ngoan ngoãn của tôi lại có thể mang thai trong khi đi học như vậy chứ”. Bà Ngọc cứ lẩn thẩn nhắc lại trong hoang mang lo sợ.

Trà không dám về nhà, chỉ nghĩ đến việc đối diện với bố mẹ là Trà đã thấy tối tăm mặt mũi. Lo cho con gái bé nhỏ nơi đất khách đang gặp biến cố, bố và người dì ruột đã vào tận Nha Trang tìm con. Gặp con, ông Hồng – bố Trà đứng lặng đi, ông thấy miệng mình khô khốc, và tay chân thừa thãi. Trà con gái ông xanh xao, tiều tụy quá. Trà líu ríu khi gặp bố. Không dám khóc, Trà chỉ cúi gầm mặt rồi để bố ôm chặt vào lòng. Về nhà, Trà cứ ở rịt trong nhà vì sợ chê cười “em không dám ra khỏi nhà, bởi cái thai trong bụng thì đã lớn. Hàng xóm rất nhiều người tò mò, họ thường xuyên để ý rồi bàn luận”.

Liệt một nửa người, cháu Gia Huynh ngày càng ốm yếu, cháu chỉ có thể nằm một chỗ

Gần một tháng đầu, Trà và bố mẹ chẳng dám đi đâu bởi những ánh mắt như kim đâm, những lời hỏi thăm như dao sắc của người trong lối xóm. Mỗi lần có việc ra ngoài, bố mẹ Trà lại phải che kín mặt, đi thật nhanh để cốt không ai nhận ra mình nữa. Nhìn bố mẹ khổ sở vì mình, Trà thấy se sắt trong lòng. Trà càng sống thu mình và ân hận hơn. Căn nhà nhỏ cũng trở nên chống chếnh. Rồi câu chuyện về Trà cũng nhàn nhạt trên câu cửa miệng của người đời, bởi cuộc sống xô bồ, có bao nhiêu chuyện mới để người ta xông vào bàn tán. “Cá chuối đắm đuối vì con”, bố mẹ Trà thương em đến đắng chát. Để giúp con đối diện với cuộc sống, bà Ngọc trong những lần thủ thỉ tâm tình với con gái đã nhỏ nhẹ động viên “thôi con ạ, chuyện cũng đã rồi, con hãy dũng cảm để đối diện với mọi người, để mình được sống thoải mái”. Dần dà lấy lại được thăng bằng, Trà đành bảo lưu kết quả học tập để ở nhà chờ ngày sinh con.

Từ mối tình lầm lỡ

Mới vào học hai tháng mà Trà đã mang bầu đến tháng thứ năm, mà chỉ đến khi cô giáo phát hiện Trà mới vỡ lẽ. Bà Ngọc nghĩ đến con mà ngân ngấn nước mắt: “Ai đời lớn rồi vậy mà dại, có bầu cũng không biết, mà trước đây ở nhà vợ chồng tôi cũng luôn theo sát cháu chứ, không ngờ cháu yêu đương với bạn học để rồi gây nên hậu quả”. Khi biết mình mang bầu, mà cái thai lại quá lớn không bỏ được, Trà mới hoảng hốt gọi điện cho người yêu. Người yêu Trà - Phan Văn Sáng nghe điện báo rồi hứa sớm vào Nha Trang để tìm hưởng giải quyết sự việc và không quên dặn Trà đừng báo bố mẹ biết.

Giấy chứng nhân căn bệnh bãi não của cháu Gia Huynh

Tin lời người yêu, Trà cứ chờ đợi. Để rồi năm ngày, một tuần trôi qua cũng không thấy tăm tích người yêu đâu. Trà gọi điện thì thuê bao không liên lạc được, đến lúc này, Trà mới nhận ra bộ mặt thật của người yêu. Vậy mà “khi mới tốt nghiệp cấp ba thì anh Sáng nói không đi học nữa để ở nhà tổ chức lễ cưới. Khi đó em không chịu, vì em chỉ mới vừa ra trường thôi nên em muốn đi học và anh ấy đã đồng ý chờ em. Nhưng không ngờ...” Trà ôm mặt khóc. Chưa khi nào em thấy chơi vơi đến thế. Nếu bố không vào đón, chẳng biết em sẽ làm gì trong những ngày sắp tới. Về lại quê rồi, mẹ Trà dẫn con vào nhà Sáng để nói chuyện, để tìm chồng tìm cha cho con gái dại dột. Ban đầu, hai gia đình thống nhất chờ Trà sinh xong để tổ chức lễ cưới, nhưng được mấy ngày Sáng trở mặt không nhận đứa con trong bụng Trà. Trà chết đứng. Trà thấy trong lòng như có trăm vết cắt. Giờ đây chỉ có cô đau khổ cho sự nhẹ dạ cả tin của mình, phải tự chịu lấy hậu quả một mình.

Khi đó, cái thai đã sang tháng thứ 6, thương con thương cháu, bố mẹ thuyết phục Trà sinh con, dẫu sao nó là máu mủ, là khúc ruột vô tội của mình. Từ khi Trà về nhà, kinh tế gia đình đã khó nay càng thêm khó, bố mẹ Trà ngày đêm chạy đôn đáo lo cho con. Dù Sáng không nhận đứa con, nhưng gia đình bên ấy vẫn gọi điện, động viên Trà cố gắng bồi bổ sức khỏe, rồi sẽ sang nói chuyện sau với gia đình cô. Nghĩ vậy, Trà và bố mẹ cũng phần nào yên tâm. Gia đình Trà cũng biết được phần nào lý do về việc gia đình bên ấy hành xử như vậy. Vì gia đình hiếm muộn con nên cầu tự mãi ông bà mới sinh được Sáng. Biết chuyện Trà mang thai con trai nên bố mẹ buộc Sáng xin lỗi gia đình Trà và đón về. Chống lời bố mẹ, Sáng bỏ vào Sài Gòn, mặc cho gia đình lần này lượt khác điện báo. Ông Phan Văn Quang - bố của Sáng cho biết: “Gia đình tôi cũng muốn đón cháu Trà về và coi như con dâu trong nhà nhưng thằng Sáng nó không chịu. Nhỡ đâu chúng tôi cứ đón về rồi sau này không có tình cảm thì sống với nhau cũng chẳng được lâu lại làm khổ cháu Trà mà thôi”.

Nỗi đau chồng lên nỗi đau

Chín tháng mười ngày, Trà lên bàn đẻ, chỉ có bố mẹ bên cạnh, thiếu đi anh chàng người yêu ngày nào thề hẹn. Lúc mới sinh, bé Gia Huynh hoàn toàn khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Cả nhà ai cũng mừng. Khi bé đã ít nhiều cứng cáp, bố mẹ có ý định cho Trà trở lại trường nhưng nhiều lần Trà từ chối “giờ cuộc sống của mấy thành viên trong gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng nay lại thêm cả việc con tiếp tục theo học nữa thì chỉ làm khổ thêm bố mẹ thôi”. Bà Ngọc gạt ngay ý nghĩ của con “nghèo thì bố mẹ cũng nghèo rồi, giờ để con ở nhà thì sau này biết làm gì để có tiền nuôi cháu. Con cứ yên tâm đi học, cháu ở nhà mẹ sẽ nuôi, con cố học tốt để sau này có công ăn việc làm mà lo cho cháu”. Khi Gia Huynh tròn 5 tháng tuổi, Trà lên đường vào trường nhập học. Nỗi buồn xa con chưa chưa nguôi bớt thì nay gia đình bên Sáng khi Trà sinh con xong thì không còn đoái hoài hỏi thăm gì nữa.

Đến đây, có lẽ nỗi đau khổ bẽ bàng dường như đã quá đủ với gia đình cô nữ sinh lầm lỡ vì mối tình lạc lối, nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Khi Gia Huynh bảy tháng tuổi, trong một lần tắm cho cháu, bà Ngọc quan sát kỹ và phát hiện ra đôi tay của cháu bé không vơ nắm như những đứa trẻ bình thường. Tay bé luôn co quắp, nắm chặt, gỡ thế nào cũng không ra. Thấy lạ, bà bế cháu đi khám bệnh viện huyện nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Đến lúc khám tại bệnh viện nhi Nghệ An, bà Ngọc chết lặng khi nghe bác sỹ thông báo cháu mang trong mình căn bệnh bại não bẩm sinh. Vì căn bệnh này mà một nửa cơ thể của Gia Huynh bị bại liệt không còn cử động được.

“Không ngờ cháu tôi khổ vậy, từ bé nó đã bị bố chối bỏ thì chớ nay lại mang trong mình căn bệnh bại não cơ chứ”, ông Hồng nghẹn ngào ôm đứa cháu ngoại vào lòng. Thương cháu, ông bà bỏ ngoài tai những lời khuyên nên gửi cháu vào trại trẻ mồ côi, chứ nhà nghèo thì lấy đâu ra tiền chạy chữa thuốc thang. Dù có đói khổ đến mấy cũng giữ Gia Huynh, bởi đó là khúc ruột của ông bà. Hai vợ chồng thay nhau chạy ngược xuôi, nghe ai mách bệnh viện nào chữa bệnh hay là lại chạy vạy vay mượn đưa cháu đi thăm khám. Đến nay, hàng tháng, bà Ngọc đều đưa Gia Huynh đi bệnh viện Nhi Nghệ An để thăm khám và cũng là để cháu được bác sỹ tập thể dục. Trong căn nhà của vợ chồng ông Hồng chẳng có thứ gì đáng giá, đến mấy cảnh cửa mà mấy năm vẫn chưa kịp làm. Giờ đây, ông bà chỉ mong có một phép màu để chữa khỏi bệnh cho Gia Huynh thì có phải bán hết đất đai nhà cửa, có phải đi xin ăn ông bà cũng thỏa lòng.

Bà Nguyễn Thị Đào, chủ tịch hội phụ nữ xã Nghĩa Đồng chia sẻ: “Chuyện về gia đình nhà chị Ngọc đã gây xôn xao cho dư luận một thời gian dài, nhưng vì tình thương của anh chị đã giúp cháu Ngà tiếp tục con đường học hành dang dở và cưu mang cháu Gia Huynh dù cháu mang trọng bệnh. Hiện nay về phía hội chúng tôi cũng đang tạo điều kiện để giúp chị Ngọc có thể chữa bệnh cho cháu Huynh bằng các hình thức vay vốn của hội”.

Rời căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Hồng, bà Ngọc khi trời đã ngả về chiều, ráng hoàng hôn đã giăng trên khắp nẻo đường. Trước khi chia tay, bà Ngọc nghẹn ngào nói: “Con dại thì cái mang, nhưng sao ông trời nỡ bắt tội cháu tôi như vậy chứ”. Mối tình lầm lỡ của thời học trò đã cướp đi hạnh phúc của gia đình Trà. Đây cũng là bài học lớn cho các cô gái khi yêu đương quá sớm.

* Tên các nhân vật và cháu bé đã được thay đổi