Bi kịch của các gia đình Lebanon khi tự vượt biển đến châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hôm 23-4, con thuyền chở Bilal Dandashi cùng người thân của anh và hàng chục người khác hy vọng thoát khỏi Lebanon đến châu Âu đã bị chìm ở Địa Trung Hải. Dandashi vẫn không biết vợ con mình còn sống hay đã chết. Với họ, cuộc sống ở lại hay vượt biển cũng đều đầy rủi ro.
Người thân ôm thi thể bé gái thiệt mạng trong vụ đắm thuyền ở Lebanon hôm 23-4

Người thân ôm thi thể bé gái thiệt mạng trong vụ đắm thuyền ở Lebanon hôm 23-4

60 người trên du thuyền 50 năm tuổi

Bilal (47 tuổi) và một người anh em khác của anh đã từng một lần vượt biển, nhưng chiếc thuyền của những kẻ buôn lậu bị trục trặc. Vì vậy, trong chuyến đi thứ hai, họ đã tự liên hệ với 2 gia đình khác ở Tripoli để mua lại một chiếc du thuyền có “tuổi thọ” gần 50 năm từ một tay buôn lậu. Hai anh em họ đã mất 3 tháng để tân trang và trang bị áo phao. Vào đêm 23-4, họ khởi hành với khoảng 22 thành viên trong gia đình cùng 2 gia đình khác với tổng số khoảng 60 người, vượt quá sức chứa của chiếc du thuyền nhỏ. Mục tiêu là nước Ý, cách Lebanon khoảng 2.000km.

Sau 1,5 giờ khởi hành, thuyền của họ bị Hải quân Lebanon chặn lại. Tai họa ập đến, chiếc thuyền đã va chạm với tàu hải quân và chìm trong vòng vài giây. Kết quả là chỉ có 47 người được cứu, 7 thi thể được tìm thấy, những người còn lại được ghi nhận là mất tích. Bilal Dandashi đã được cứu cùng với 2 đứa con, nhưng vợ và 2 đứa con khác của anh thì nằm trong số các nạn nhân mất tích. Ngoài ra, Amid Dandashi (anh trai của Bilal Dandashi) có 3 con nhỏ thiệt mạng, thi thể của chúng được tìm thấy trong cuộc tìm kiếm sau đó. Nhớ lại khoảnh khắc sắp xếp đồ đạc cho các con mình trước chuyến đi, Bilal Dandashi không bao giờ tưởng tượng rằng anh sẽ trở về nhà mà không có chúng. “Tôi tự trách mình, với tư cách là một người cha, rằng tôi đã đưa chúng đến rủi ro đó”.

Trốn chạy cuộc suy thoái kinh tế

Thảm kịch này cho thấy sự tuyệt vọng mà một số người Lebanon đang phải trải qua sau khi nền kinh tế của đất nước sụp đổ, khiến 2/3 dân số rơi vào cảnh nghèo đói. Lebanon hiện đã trở thành điểm nóng của những người di cư bất chấp nguy hiểm vượt biển đến châu Âu. Không có số liệu chắc chắn, nhưng hàng trăm người Lebanon trong những tháng gần đây đã cố gắng thực hiện hành trình này. Tại Tripoli - thành phố nghèo nhất của Lebanon, người dân cho biết, ngày nào cũng có những chiếc thuyền di cư ra khơi, thậm chí ngay cả từ bến cảng chính thức của thành phố.

Làn sóng di cư ở Lebanon nhằm trốn chạy cuộc suy thoái kinh tế sau nhiều năm chính phủ tham nhũng và quản lý yếu kém. Lạm phát và sự sụp đổ của đồng nội tệ đã khiến tiền lương, tiền tiết kiệm của mọi người “bốc hơi”. Thuốc men, nhiên liệu và thực phẩm khan hiếm. Bilal Dandashi mắc bệnh tiểu đường và không thể tìm được loại thuốc mà mình cần. Tripoli - thành phố lớn thứ hai của Lebanon cảm nhận rõ nhất gánh nặng của cuộc khủng hoảng bởi hầu như toàn bộ lực lượng lao động ở đây phụ thuộc vào thu nhập hàng ngày.

Kể từ khi con thuyền của gia đình Bilal Dandashi bị chìm, căng thẳng gia tăng trong thành phố. Những người dân tức giận chặn đường và tấn công một trạm kiểm soát của quân đội. Hải quân đã đổ lỗi cho thuyền trưởng và nói rằng anh ta đã mất kiểm soát khi tránh bị buộc phải quay trở lại bờ. Họ cho rằng, sự cố xảy ra do trên thuyền có quá nhiều người và họ đều không mặc áo phao. Tuy nhiên, Bilal Dandashi cáo buộc tàu hải quân cố tình đâm vào thuyền để buộc nó quay trở lại. Anh cho biết, thủy thủ đoàn đã quát mắng họ trong khi chỉ một đoạn ngắn nữa là con thuyền sẽ đến vùng biển quốc tế, ngoài quyền tài phán của hải quân. Dandashi cho biết, các hành khách không mặc áo phao vì họ không muốn thu hút sự chú ý khi rời cảng và con thuyền chìm quá nhanh. Chính phủ đã tổ chức một cuộc họp bất thường và yêu cầu tòa án quân sự điều tra vụ việc.

Bilal Dandashi thừa nhận nỗ lực vượt biên của mình là bất hợp pháp, nhưng bản thân anh không thể ra nước ngoài một cách hợp pháp. Rất nhiều người cần hộ chiếu, nhưng thủ tục giấy tờ rất lâu do nhà chức trách phải vật lộn với một lượng lớn công việc tồn đọng và gần đây đã ngừng hoàn toàn việc xử lý các đơn đăng ký. “Suốt 6 tháng ròng tôi không thể nhận được hộ chiếu. Tại sao? Bởi vì họ muốn chúng tôi chết mòn ở đây hoặc mất mạng ở ngoài biển” - Bilal Dandashi nói.