"Bi, hài" dinh dưỡng cho trẻ

(ANTĐ) - Bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng luôn muốn cho con mình ăn được thật nhiều thức ăn bổ dưỡng. Thế nhưng, nếu vô tình, các bậc cha mẹ sẽ làm hại con vì quan niệm sai lầm của mình.

"Bi, hài" dinh dưỡng cho trẻ

(ANTĐ) - Bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng luôn muốn cho con mình ăn được thật nhiều thức ăn bổ dưỡng. Thế nhưng, nếu vô tình, các bậc cha mẹ sẽ làm hại con vì quan niệm sai lầm của mình.

Dạo qua các diễn đàn chăm sóc trẻ nhỏ mới thấy nhu cầu trao đổi thông tin về dinh dưỡng cho con của các bà các chị thật đa dạng. Các chủ đề về "nên hay không nên cho con ăn gì" luôn ngập tràn các câu chuyện thú vị cũng như các lời bình luận về việc cho các bé ăn.

Chị A. vì nghe nhiều người nói là phải cho con phải ăn nhiều chất xơ cho dễ "đi ngoài", nên đã mua rất nhiều rau và hoa quả về cho con ăn. Thế nhưng bé con nhà chị lại đi "nặng" ngày 4,5 lần vì ăn quá nhiều rau quả. Cũng như thế, chị B., do nghĩ rằng sữa rất tốt cho sự phát triển của trẻ nên ngay từ khi mới sinh con, chị đã có quan niệm bắt con uống nhiều sữa. Nhưng sau thời gian theo dõi, cân nặng của con chị có phần kém so với những đứa trẻ cùng độ tuổi. Đưa con đi khám nhiều nơi, cuối cùng chị mới biết, cháu bị dị ứng với sữa nên càng uống nhiều, cháu càng bị đau bụng, đi ngoài...

Nên có một chế độ ăn uống hợp lý để các bé phát triển khoẻ mạnh

Nên có một chế độ ăn uống hợp lý
để các bé phát triển khoẻ mạnh

Một trường hợp khác như chị C., cũng với suy nghĩ, bé ăn càng nhiều chất bổ càng mau lớn, khi nấu bột thịt, cá cho con, chị cho thêm cả sữa vào...và thế là bé cũng bị tiêu chảy... Hay như chị N., vì muốn con nhanh tăng cân, chị đã cho rất nhiều rau, củ quả, tôm, cá, thịt vào chung một nồi, nấu thành cháo cho bé ăn. Những tưởng "thằng bé" sẽ tăng cân nhanh chóng, nhưng không ngờ bé ngày một chán ăn và sụt cân. Đi khám, các bác sỹ Viện dinh dưỡng cho biết, do nguồn thức ăn quá "thập cẩm" dẫn đến việc bé chán ăn và sụt cân.

Một trường hợp cũng vì nghe đồn mà bé con nhà chị M. suýt suy dinh dưỡng. Chẳng là, một lần bé nhà chị M. bị tiêu chảy, chị đã dừng hết các khoản sữa, thịt cho con bé, thay vào đó là các bữa cháo trắng với muối. Chị nghĩ rằng, ăn như vậy, con sẽ không bị đi ngoài. Sau vài ngày thấy con vẫn tiêu chảy mà sức khoẻ lại yếu đi, chị cho đi khám, bị các bác sỹ mắng "tơi bời"....

Những câu chuyện trên chiếm "diện tích" khá lớn trên các diễn đàn và là những câu  chuyện không lạ trong việc chăm sóc trẻ hàng ngày. Nguyên nhân chính thường xuất phát từ những quan niệm sai lầm về dinh dưỡng của các bậc cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ.

Theo bác sỹ Lê Thị Hải, Viện dinh dưỡng Quốc gia, tâm lý chung của các bậc phụ huynh là nôn nóng muốn con chóng lớn mà tẩm bổ quá tay cho con. Tuy nhiên nếu muốn kết hợp nhiều loại thực phẩm với nhau trong cùng một bữa ăn thì phải kết hợp với hàm lượng hợp lý, 'thêm cái này thì bớt cái kia", tránh cho trẻ không hấp thụ được dẫn đến rối loạn tiêu hoá.

Bác sỹ Hải cho biết thêm: "Các bà mẹ cũng có thể cho sữa trộn cùng với các bữa cháo thịt và rau để thêm nguồn dinh dưỡng cho con. Tuy nhiên điều này chỉ dành cho các bé đặc biệt biếng ăn chứ không nên áp dụng cho tất cả các bé".

Hà Anh