Bi hài chuyện phá án “Câm Chờ”

ANTĐ - “Con nghiện” ở thị trấn Thường Tín (Hà Nội), không xa lạ gì “đại lý” ma túy “Câm Chờ”. “Đại lý hàng trắng” vừa câm, vừa điếc, bán heroin tại nhà qua một lỗ thủng chỉ nhét vừa 3 ngón tay.

Nhà “Câm Chờ” ở trung tâm thị trấn Thường Tín


Điểm “nóng” ma túy câm điếc

Chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện về “đại lý” ma túy câm điếc, bán “hàng trắng” qua lỗ cửa, tại Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - CATP Hà Nội. Tò mò là bởi, CAH Thường Tín - nơi có “đại lý” hoạt động, đã công văn “cầu cứu” phòng nghiệp vụ CATP, nhờ tìm người phiên dịch ghi lời khai đối tượng…, mong sớm “hạ nhiệt” điểm “nóng”.

Cầm đầu “đại lý” là Trần Phúc C, (tức “Câm Chờ” - SN 1950), nhà ở thị trấn Thường Tín. Không may từ khi mới sinh ra, Trần Phúc C đã bị câm điếc. Anh ta lấy vợ, người có khiếm khuyết giống mình và sinh được một cô con gái. Kể về hoàn cảnh éo le của gia đình này, Trung tá Nguyễn Văn Ánh - Đội phó Đội Cảnh sát kinh tế, ma túy, môi trường CAH Thường Tín lắc đầu: “Câm Chờ” mắc nghiện từ ngày còn trẻ. Để thỏa mãn cơn nghiện, hắn vừa bán “hàng”, vừa tổ chức cho đồng bọn hút, chích tại nhà để thu tiền. Do quen thân với đủ loại “con nghiện” ngay từ nhỏ, con gái “Câm Chờ” cũng nhanh chóng nối bước cha, dấn thân vào ma túy, hiện đang chịu án 8 năm tù giam. Trong hồ sơ mà CAH Thường Tín lưu giữ, “Câm Chờ” đã có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản, vừa mãn hạn 11 năm tù can tội mua bán trái phép chất ma túy.

Theo chỉ dẫn của lực lượng công an cơ sở, một ngày cuối tháng 10-2011, PV ANTĐ đã tìm đến điểm “nóng” ma túy này. Ngôi nhà 1 tầng, rộng khoảng 200m2 - nơi “Câm Chờ” và vợ trú ngụ, nằm ở trung tâm thị trấn. Nhìn bên ngoài, ngôi nhà không có gì khác biệt với các hộ liền kề. Phía trước được gia chủ cho thuê mở cửa hàng quần áo và bán đồ điện. Muốn lọt vào nơi “Câm Chờ” ẩn náu, buộc phải đi qua ngách nhỏ sâu hun hút và lớp cửa gỗ kiên cố luôn khóa trái. Sau ngôi nhà mái lợp pro-ximăng là một mương nước lớn, muốn áp sát phải đi thuyền. Thường thì trưa và xẩm tối là thời gian “con nghiện” đến mua ma túy đông nhất. Người mua bấm chuông, hoặc đèn báo hiệu. Kẻ bán thò tay qua lỗ cửa nhận tiền và giao ma túy, chẳng ai biết mặt ai.

“Bí” người phiên dịch

Năm 1997, khi bắt giữ Trần Phúc C về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, cơ quan công an vất vả mới tìm được người thông thạo ngôn ngữ ký hiệu để phiên dịch, ghi lời khai đối tượng. Đó là bản án đầu đời khi “Câm Chờ” chưa có “kinh nghiệm” đối phó. Còn giờ, chỉ cần thấy bóng công an, hắn đã lu loa kêu hét như người tâm thần. Năm 2008, sau khi mãn hạn tù, “Câm Chờ” trở về địa phương và tiếp tục hoạt động phạm tội -Trung tá Ánh thông tin.

Việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của “Câm Chờ” không khó, trở ngại lớn nhất là lực lượng công an chưa tìm được người phiên dịch, giúp ghi lời khai. Đại diện Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - CATP Hà Nội cho biết: Cơ quan công an đã liên hệ với giáo viên một trường học dạy trẻ câm điếc, nhờ họ đến phiên dịch nhưng không được. Theo giáo viên trường này, cô chỉ có thể “nói chuyện” với những người được đào tạo về ngôn ngữ ký hiệu, theo giáo trình chuẩn. Người không biết ngôn ngữ này, lại cố tình chống đối như “Câm Chờ”, rất khó để phiên dịch.

Trong khi “đợi” phiên dịch, cơ quan công an chỉ còn cách bố trí lực lượng mật phục, trinh sát quanh nhà “Câm Chờ” để phát hiện, bắt giữ số “con nghiện” đến mua ma túy - chỉ huy CAH Thường Tín cho biết. Theo thống kê chưa đầy đủ của công an sở tại, từ đầu năm 2011 đến nay, trinh sát đã phát hiện, bắt giữ 10 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, quanh khu vực nhà đối tượng này. Các “con nghiện” khai nhận, không biết người bán “hàng” là ai, chỉ biết đây là đối tượng câm điếc.

Chuyên gia sẽ giúp ghi lời khai “Câm Chờ”

Đó là khẳng định của ông Đinh Đoàn - Hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội), chuyên gia có hơn 20 năm nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người câm điếc. Theo ông Đinh Đoàn, ông hay các chuyên gia ngôn ngữ ký hiệu trong trường sẽ vui vẻ nhận lời nếu được đề nghị, nhưng việc lấy lời khai có thể chưa thực hiện được ngay. Với đối tượng như “Câm Chờ”, phải mất 1-2 buổi đầu gần gũi, nắm bắt tâm lý, động viên để đối tượng tin tưởng. Cơ quan điều tra nên hỏi những câu đơn giản, dễ hiểu, tránh sử dụng từ chuyên ngành như: “động cơ, mục đích phạm tội”, gây khó khăn cho người phiên dịch và trả lời.