Bị "cắt cổ" khi mua xe Air Blade

(ANTĐ) - Nhằm tạo “cơn sốt” trên thị trường, một số loại xe máy mới mang các thương hiệu  lớn như Honda, Yamaha… đã được “làm giá” cao ở mức “trên trời”.

 Nhiều loại xe bị đẩy giá vô tội vạ


Không chỉ các cửa hàng phân phối kiếm lời vô số mà sâu xa hơn là vô hình chung, dư luận trong cộng đồng tiêu dùng một mặt nào đó đã góp phần xây dựng hình ảnh, biến Air Blade, Exciter, Lead… như những sản phẩm luôn được chào đón nồng nhiệt. Người chịu thiệt chỉ có một bộ phận người tiêu dùng đã bị rơi vào “bẫy”, có tiền nhưng vẫn bị người bán “hành” đành “ngậm đắng nuốt cay”…

“KÊNH” GIÁ “TRÊN TRỜI”

Sau Lead, đến lượt Air Blade, PCX của Honda và mới nhất là Yamaha Exciter, người mua đã gặp phải tình trạng giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá công bố của hãng. Nếu so với mức giá lúc mới trình làng của hãng Honda, giá xe Air Blade đời 2011 đến nay đã chênh lệch tới gần 15 triệu. Giá xe nhập khẩu từ Thái Lan cũng bị đẩy lên cao chót vót. Với Honda Air Blade sản xuất trong nước, đây là đợt tăng giá thứ 3 từ khi xuất hiện trên thị trường (2007), còn xe nhập khẩu Thái Lan, giá từ tháng 10-2009 đến nay tăng không có điểm dừng.

Điều đáng bàn là giá xe xuất xưởng được hãng công bố một đằng nhưng người mua thì lại phải mua mức giá một nẻo, cao hơn hàng chục phần trăm so với giá công bố. Honda Air Blade ngay từ khi mới xuất hiện trên thị trường đã từng được xem là mẫu xe tay ga “vừa túi tiền” khi hãng công bố giá bán lẻ chỉ có 28 triệu đồng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi người tiêu dùng “rầm rộ” đón nhận, khoảng tháng 7, tháng 8-2007, các đại lý của Honda tại TP HCM dán biển hết hàng lần thứ nhất. Từ tháng 3-2008 đến nay, hầu như thời gian nào các đại lý này cũng luôn trong tình trạng khan hiếm Honda Air Blade. Rất ít khách hàng mua được giá của hãng công bố và thường phải trả thêm chênh lệnh đến hơn 10 triệu đồng cho một chiếc xe.

Một khách hàng tại thành phố Hải Phòng đã kể lại vụ mua “hớ” đau lòng như sau: Sau khi tham khảo mức giá xe Honda Air Blade đời 2011 của hãng công bố là khoảng 33 triệu đồng thì anh này đi đến một số đại lý của Honda Việt Nam để hỏi mua xe. Đáng ngạc nhiên là anh đều được nhân viên trả lời “đã hết hàng” và tất cả họ cũng đều từ chối công bố giá hãng trong thời điểm hiện tại. Không còn cách nào khác, vị khách hàng này đành đến các cửa hàng không phải đại lý của Honda để mua.

Trái lại với các đại lý, các cửa hàng trên đường Trần Phú, Tô Hiệu lại có rất nhiều hàng, nhưng mức giá thì cao giật mình, đều cao hơn mức giá anh khảo sát được đến… xấp xỉ 30%. Sau khi đi hỏi chán chê với toàn những mức giá “trên trời”, 48 triệu, rồi 46,5 triệu, anh đành ngậm ngùi mua ở một cửa hàng lớn trên đường Trần Phú với mức giá như  nhân viên giới thiệu là “có lợi” nhất so với các cửa hàng khác - 45 triệu…

Tính đến thời điểm này, không chỉ xe Honda Air Blade, mà xe Yamaha Exciter cũng đang có những biểu hiện tương tự khi giá xe của cửa hàng cao hơn giá hãng công bố đến vài triệu đồng/chiếc.

Trong khi đại lý nào cũng nói hết hàng thì các cửa hàng vẫn… rủng rỉnh bán xe với giá cao hơn đến hàng chục triệu đồng/một chiếc so với giá xuất xưởng. Điều đáng nói là trong thời điểm giá hàng bị đẩy lên chóng mặt đến như vậy thì lượng bán ra của các cửa hàng cũng chỉ “nhỏ giọt”, chứ không thể coi là chạy hàng đến mức khan hiếm như các cửa hàng giải thích về hiện tượng tăng giá. Điều này đã khiến các khách hàng trót “sập bẫy”, mua phải tuy hàng thật nhưng giá “ảo” đã tỏ vẻ lo ngại liệu có thể các đại lý đã tiếp tay để cửa hàng bán lẻ đầu cơ, rút “hầu bao” người tiêu dùng?

AI CHỊU THIÊT, AI ĐƯỢC LỢI?

Gần đây nhất là vụ chị Nguyễn Thu Nga, ở Tô Hiệu, Hải Phòng ngậm ngùi khi chỉ năm ngày mà hớ mất đi cả chục triệu đồng. Chị Nga kể: “Ngày 12-4, tôi tìm mua một chiếc Honda Air Blade đời 2011 tại cửa hàng Hồng Phát địa chỉ ở số 36 Trần Phú. Khi mua hàng, các nhân viên của cửa hàng đều chỉ ra “lợi” cho tôi là giá của cửa hàng này là “mềm” nhất so với các chỗ khác. Tin lời các nhân viên bán hàng, tôi cho rằng đây là giá hợp lý nên đã mua một chiếc xe màu trắng bạc, số khung 2705 BY001508, số máy F27E-0702087 với giá 48 triệu đồng/chiếc. Không ngờ, “lợi” thì có lợi nhưng…

Chỉ 5 ngày sau khi mua, tôi bất ngờ được biết là giá xuất xưởng của chiếc xe tôi mới mua chỉ có khoảng 33 triệu đồng/chiếc và tôi cũng được biết thêm giá xe Air Blade lúc đó là giá “ảo”, do các cửa hàng tự đẩy lên. Không tin cửa hàng nữa, tôi đi khảo sát lại mới biết các cửa hàng ào ào giảm giá đến hàng chục phần trăm. Ban đầu họ giảm còn 38 triệu là tôi đã bị thiệt đến chục triệu, và đến nay chỉ còn có 35 triệu đồng/ chiếc mà thôi… Tôi cho rằng, mặc dù đúng là thuận mua, vừa bán, tuy nhiên các nhân viên bán hàng đã không tư vấn, hoặc tư vấn không chính xác, không đầy đủ về giá hãng và giá thị trường khiến khách hàng bị hớ một khoản chênh lệch lớn đột ngột trong một thời gian ngắn như vậy cũng là không có uy tín người bán hàng…”.

Anh Nguyễn Trọng Đạt, Trưởng cửa hàng Hồng Phát trả lời PV Báo An ninh Hải Phòng về trường hợp của chị Nguyễn Thu Nga như sau: “Chị Nga đến chỗ chúng tôi mua là thuận mua, vừa bán. Lúc đó là do sản phẩm mới ra nên giá cao. Riêng cửa hàng chúng tôi là thấp hơn so với các cửa hàng khác từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, và còn có chương trình khuyến mại mũ bảo hiểm, thay dầu nên chị Nga đã thuận mua… Tuy nhiên, sau đó giá xe giảm đột ngột nên chị Nga đến kiến nghị chứ nếu giá xe mà tăng liệu chị Nga có trả thêm số tiền chênh lệch cho chúng tôi không? Hiện nay, chúng tôi còn đang phải bán… giá lỗ(!?) thì ai sẽ bù giá cho chúng tôi. Người được lợi là những khách hàng mua sau này thôi, chứ chúng tôi cũng chẳng được lợi gì…”.

Được biết, việc giá hãng một đằng, giá cửa hàng một nẻo được giải thích là do các hãng xe lớn đã trao quyền phân phối cho các nhà phân phối, và việc các nhà phân phối định giá như thế nào là quyền của họ. Tuy nhiên, để điều chỉnh giá xe thì thường trong hợp đồng phân phối giữa hãng xe và nhà phân phối phải có điều khoản chỉ được bán theo giá hãng công bố và trích phần trăm hoa hồng từ việc bán xe. Nhưng các cửa hàng đã được “thả lỏng” để nâng giá tuỳ ý, và khuyến khích để tăng giá cao, tạo “sốt ảo” nhằm làm cho các mặt hàng này có vẻ như đang bán chạy.

Các hãng thì có lợi là hình ảnh mặt hàng được “lên đời”. Các đơn vị phân phối thì được ăn chênh lệch lớn, và cho dù đến thời điểm hiện nay giá đã hạ xuống đến cả chục triệu đồng thì chắc gì họ đã bị lỗ khi mà điển hình là giá xuất xưởng Honda Airblade là khoảng 33 triệu, trong khi giá bán thấp nhất vẫn là 35 triệu/1 xe. Thiệt hại của người đã trót mua giá quá cao thì đã rõ; và những người mua sau liệu có được lợi khi mà giá bán vẫn còn cao hơn giá xuất xưởng trong khi lẽ ra giá bằng hoặc thấp hơn giá xuất xưởng mới có thể coi là được lợi…

Ở đây, hiện tượng tạo sốt giá có thể coi là một trong các kỹ xảo để gia tăng lợi nhuận cho nhà phân phối, qua đó hút vốn kinh doanh, gia tăng sản lượng cho nhà sản xuất. Cách đây không lâu, một số nhãn hiệu xe ô tô cũng có “dịch” sốt xe. Nhân viên bán hàng đề nghị khách trả thêm 3.000-5.000 USD, nếu không sẽ phải đợi 3-6 tháng mới được mua. Và, nhiều khách hàng đã chọn cách chuyển sang loại xe khác, tuy không được thương hiệu mạnh bằng nhưng chất lượng thì cũng chẳng hề thua kém mà không mất thêm một đồng tiền hoa hồng, cũng không phải chờ đợi thêm một ngày nào. Có lẽ, người tiêu dùng ngay từ hôm nay hãy đừng nên chạy theo “tâm lý đám đông” vì theo đúc kết của Al Ries, bậc thầy về thương hiệu trên thế giới, tại thị trường Mỹ, chiếc xe chất lượng tốt nhất lại chỉ đứng thứ 9-11 về doanh số. Điều đó có nghĩa, những sản phẩm bán chạy nhất, đâu hẳn đã tốt nhất.