Bị bán tháo 3 tuần liên tiếp, giá vàng giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi thị trường tài chính đứng trước áp lực lạm phát và căng thẳng kinh tế, địa chính trị, nhà đầu tư dường như chỉ tin tưởng vào tài sản duy nhất là tiền mặt. Vàng, vì vậy cũng chịu áp lực bán mạnh và liên tục giảm giá.

Thị trường chứng khoán gần như bị bán tháo trên toàn thế giới, trong đó, chứng khoán Mỹ đã có tuần giảm thứ 5 liên tiếp và với tín hiệu những phiên đầu tuần cho thấy khả năng tuần này sẽ là tuần giảm điểm thứ 6.

Giá vàng cũng giảm mạnh với mức giảm lên tới gần 30 USD mỗi ounce trong phiên giao dịch ngày 9/5 (đêm qua giờ Việt Nam), xuống chỉ còn quanh mức 1.854 USD/ounce.

Dù giá vàng thế giới biến động rất mạnh nhưng vàng trong nước lại gần như “án binh bất động”. Sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ giảm nhẹ 50 nghìn đồng ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra đối với thương hiệu vàng SJC, niêm yết tại 69,55 – 70,30 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 69,55 – 70,32 triệu đồng/lượng (Hà Nội). Trên thị trường, giá giao dịch vàng SJC phổ biến đang dao động quanh mức 69,50 – 70,20 triệu đồng/lượng.

Vàng đang giảm dần sức hấp dẫn khi USD liên tục tăng giá

Vàng đang giảm dần sức hấp dẫn khi USD liên tục tăng giá

Việc bán tháo mạnh mẽ trên thị trường tài chính và kim loại quý là là phản ứng của thị trường với các hành động gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như triển vọng của Fed cho 2 cuộc họp FOMC tiếp theo. Fed đã tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm tại cuộc họp FOMC tháng này và chỉ ra rằng nó có khả năng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lãi suất 0,5% tại cả cuộc họp FOMC tháng 6 và tháng 7.

Điều này dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ gần đây của lợi suất trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ với kỳ hạn 10 năm được giao dịch lên mức cao nhất là 3,2% trước khi đóng cửa phiên ở mức 3,039%. Lợi suất cao hơn trong các khoản nợ của Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều cho việc đồng đô la Mỹ tăng giá khi so sánh với các đồng tiền khác. Điều này đã gây áp lực giảm giá cho thị trường kim loại quý, nó đã bị bán tháo khi giới đầu tư đang mất niềm tin với các thị trường tài chính và quay lại nắm giữ tiền mặt.

Dữ liệu thương mại mới nhất từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy các hợp đồng tương lai vàng dài hạn đã giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Trong tuần trước, các quý đầu tư đã giảm tổng các vị thế mua đầu cơ của họ trong hợp đồng vàng tương lai trên sàn Comex xuống còn 128.828 hợp đồng. Đồng thời, các vị thế bán tăng 3.883 hợp đồng lên 60.981.

Hợp đồng dài hạn của vàng hiện ở mức 67.847 hợp đồng, giảm 16% so với tuần trước. Daniel Briesemann, nhà phân tích kim loại quý tại Commerzbank cho biết đã có 153 tấn vàng được bán qua thị trường kỳ hạn trong 3 tuần qua.

Tuần này, vào ngày 11/5, Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ sẽ công bố chỉ số CPI của Hoa Kỳ cho tháng 4. Hiện tại, Chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức 8,5%, mức cao nhất được thấy kể từ tháng 1/1982. Mức độ lạm phát xoắn ốc là căn nguyên của các đợt tăng lãi suất gần đây của Fed khi họ cố gắng giảm tốc độ mở rộng kinh tế để giảm áp lực lạm phát. .

Các dự báo về CPI tháng 4 đang khác nhau giữa các nhà phân tích. Theo Forbes, ước tính CPI tháng 4 sẽ được công bố vào thứ Tư và sẽ giảm từ 8,5% xuống 8,1%. .

Tuy nhiên, dự báo lạm phát được công bố trên Bloomberg Markets thì theo một cuộc khảo sát của Fed ở New York, kỳ vọng lạm phát dài hạn sẽ tăng. Một bài báo trên Bloomberg Markets chỉ ra rằng người tiêu dùng Mỹ dự đoán lạm phát trong 3 năm sẽ vẫn tăng.

Nhưng cho dù mức lạm phát tiếp tục tăng lên mức cao hơn hay bắt đầu đạt đỉnh, thì khả năng mức lạm phát quá cao sẽ vẫn dai dẳng và không nhất thời. Các hành động của Fed chắc chắn sẽ dẫn đến suy giảm kinh tế, nhưng sẽ khó lòng kiểm soát được các yếu tố bên ngoài khiến lạm phát gia tăng, như các vấn đề chuỗi cung ứng hoặc xung đột ở Ukraine. Do đó, nhiều chuyên gia vẫn có kỳ vọng tươi sáng đối với giá vàng trong dài hạn.