Bí ẩn những tài liệu chưa “giải mật”

ANTĐ - Hầu như nước nào cũng có luật về bí mật quốc gia, trong đó quy định một số tài liệu và hồ sơ phải giữ kín, tùy theo độ “mật” mà được công khai sau nhiều năm. Những tài liệu này càng trở nên hấp dẫn và huyền bí với bao lời thêu dệt của công chúng.

Hồ sơ về Tiến sĩ David Kelly, công bố năm 2073

Bí ẩn những tài liệu chưa “giải mật” ảnh 1

Tiến sỹ David Kelly làm việc cho Bộ Quốc phòng Anh với tư cách là chuyên gia về vũ khí sinh học. Ông cũng là thanh tra viên chủ chốt về vũ khí của Liên hợp quốc tại Iraq. Năm 2003, tiến sỹ này tỏ ra lo ngại trước những tuyên bố của Mỹ và Anh về vũ khí hủy diệt WMD tại Iraq, vốn là cái cớ phát động chiến tranh Iraq. Rắc rối bắt đầu khi Tiến sỹ Kelly trở thành nguồn tin giấu tên cho một phóng viên hãng BBC với nghi ngờ về sự tồn tại của WMD. Sau khi danh tính của Kelly bị rò rỉ, một ủy ban nghị viện có nhiệm vụ điều tra thông tin tình báo về Iraq đã yêu cầu ông David Kelly chứng thực nhưng trong các phiên điều trần, ông phủ nhận mọi thông tin được báo chí trích dẫn. 

Hôm 17-7-2003, Tiến sỹ David Kelly đi bộ như thường ngày. Tại khu vực rừng cách nhà chừng 1 dặm, ông đã nuốt 29 viên thuốc giảm đau sau đó tự cắt cổ tay trái. Chính phủ Anh đã mở cuộc  điều tra pháp lý liên quan đến cái chết bất thường của Tiến sỹ Kelly. Theo kết quả cuộc điều tra mang tên Hutton công bố 28-1- 2004, ông Kelly đã tự tử. Mặc dù vậy, dư luận báo chí Anh tỏ thái độ hoài nghi liệu có phải ông bị ám sát. Đến tháng 1- 2010, ông Lord Hutton, phụ trách cuộc điều tra đã ra lệnh niêm phong tất cả hồ sơ liên quan đến khám nghiệm tử thi trong 70 năm, lý do chưa được giải thích.

Nghiên cứu về song sinh, năm 2066

Bí ẩn những tài liệu chưa “giải mật” ảnh 2

Trong những năm 1960 – 1970, nhà tâm lý học nổi tiếng New York Viola Bernard cùng đồng nghiệp, Tiến sĩ Peter Neubauer thực hiện một nghiên cứu bí mật. Họ thuyết phục một cơ quan nhận con nuôi chia các cặp song sinh mà không nói cho cha mẹ nuôi để tìm hiểu về các tương tác đối với sự phát triển của mỗi cá nhân. Các gia đình nhận nuôi chỉ đơn giản biết rằng họ có tham gia vào một nghiên cứu về trẻ em, hàng tháng họ đều đưa con đến kiểm tra IQ. Nghiên cứu đã kết thúc vào năm 1980, và một năm sau đó, bang New York ra luật yêu cầu trung tâm về con nuôi phải để anh chị em ở với nhau. Nhận ra đây là nghiên cứu sẽ gây tranh cãi, Tiến sĩ Neubauer đã quyết định không công bố, mọi thông tin đã được Đại học Yale thu thập và niêm phong chờ công bố năm 2066.

 Câu chuyện thú vị ở chỗ, cặp song sinh Elyse và Paula đến 35 tuổi mới biết mình là chị em sinh đôi. Sau khi đoàn tụ, họ đã điều tra lại về nghiên cứu trên. Kết quả tới nay có 13 người, trong đó có 3 cặp sinh đôi, một cặp sinh ba đã đoàn tụ. Vẫn còn 4 người không biết anh chị em mình là ai cho đến khi tài liệu niêm phong kia được công bố. Có lẽ đến khi đó, hầu hết những người này đã chết.

Hồ sơ vụ ám sát Kennedy, năm 2017

Năm 1964, Ủy ban Warren tập hợp những phần chưa công bố của hồ sơ vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F Kennedy để Cục Lưu trữ Quốc gia niêm phong và khóa kỹ cho đến năm 2039 (75 năm sau đó). Tuy nhiên, do bộ phim JFK của đạo diễn Oliver Stone gây tiếng vang cùng với sự phản đối của dân chúng, luật về thu thập hồ sơ vụ ám sát Tổng thống John F Kennedy đã được thông qua năm 1992. Đạo luật này yêu cầu tất cả các dữ liệu liên quan đến vụ ám sát được đặt trong bộ sưu tập duy nhất của cơ quan Quản lý hồ sơ và Cục Lưu trữ Quốc gia và thời gian công bố không quá 25 năm sau ngày luật có hiệu lực. Như vậy đến năm 2017, tất cả các tài liệu hiện có liên quan đến vụ ám sát sẽ được công khai, ước tính sẽ là 5 triệu trang hồ sơ không kể ảnh, bản ghi âm, phim và các hiện vật. Đáng nói là trong một cuộc thăm dò gần đây tại Mỹ, 32% số người được hỏi nghĩ Lee Harvey Oswald là tay súng duy nhất trong vụ ám sát Kennedy, nhưng có đến 51% cho rằng còn đồng phạm khác.

Thảm kịch cuối Thế chiến II, năm 2045

Đây là mất mát lớn lao của bao sinh mạng nhưng nó vẫn chỉ là một chương ít được biết đến của lịch sử chiến tranh Thế giới II. Ngày 3-5-1945, 4 ngày sau khi Hitler tự tử và 4 ngày trước khi Đức đầu hàng vô điều kiện, hàng nghìn tù nhân trong các trại tập trung của Đức quốc xã đã được đưa lên 2 tàu Đức ở vịnh Lubeck Bay, tàu Arcona Cap và Thielbek. Chỉ huy của không lực Anh ra lệnh tấn công tàu vì họ cho rằng các sĩ quan SS trà trộn trên đó có thể chạy trốn sang vùng Nauy do Đức kiểm soát. Những chiếc chiến đấu cơ Typhoon của Anh mở một số đợt không kích. Tàu Thielbek, với 2.800 tù nhân trên boong đã bị chìm chỉ trong 20 phút, 50 người sống sót. Còn tàu Cap Arcona  có 4.500 người  “hấp hối” lâu hơn, nhiều tù nhân chết cháy. Trong vòng chưa đầy 2 giờ, hơn 7.000 nạn nhân chiến tranh đã chết.  

Một số người tin rằng Đức quốc xã cố tình làm tàu chìm ​​trên biển để giết tất cả mọi người trên tàu. Một kịch bản khác là tình báo Anh có thể đã biết những ai trên tàu và nguyên nhân sự việc sẽ được sáng tỏ khi Không quân Hoàng gia Anh mở hồ sơ niêm phong sau 100 năm. Đáng nói là vài tuần sau khi tàu chìm, thi thể các nạn nhân trôi dạt vào bờ biển và  được thu thập chôn trong một ngôi mộ tập thể duy nhất tại Neustadt in 

Holstein, một thị trấn ở Ostholstein, bang Schleswig - Holstein, nước Đức. Đến năm 1971, người ta vẫn phát hiện thi thể nạn nhân của thảm kịch này.