Bí ẩn những dấu chân khổng lồ trên núi Tha La

ANTĐ - Với hơn 20 ngọn núi lớn nhỏ, cao thấp nằm rải rác, từ lâu quần thể núi Tha La ở ấp Tha La (xã Định Thành, Dầu Tiếng, Bình Dương) đã được nhiều người biết tới với những câu chuyện huyền bí vừa hư vừa thực, nhuốm màu tâm linh. Trong số này, nổi tiếng nhất là câu chuyện về gần chục dấu chân khổng lồ, dài chừng nửa mét, ngang 20 phân, nằm rải rác, in sâu vào những phiến đá như từ thủa hồng hoang mở cõi và hình ảnh một cậu Bảy vừa hư vừa thực với những công lao to lớn giúp dân lành cứ gắn liền với nhau từ đời này qua đời khác.

Tượng Cậu Bảy và Đế Thính trên đỉnh núi

Đi tìm chủ nhân của dấu chân

Quần thể núi Tha La được xếp theo hình 2 chiếc yên ngựa song song, men theo lòng hồ Dầu Tiếng rộng lớn, gồm núi Tha La, núi Chúa, núi Ông, núi Cậu… Những ngọn núi này nằm san sát kề nhau, lại có chùa núi Cậu nổi tiếng nên nhiều người dân địa phương quen gọi những dãy núi này là núi Cậu. Nơi này nằm cách trung tâm tỉnh Bình Dương khoảng hơn 50 cây số và từ lâu, nó được cho là chốn linh thiêng bậc nhất của tỉnh bởi những câu chuyện kỳ lạ về cậu Bảy luôn thu hút hàng nghìn lượt người tìm tới viếng thăm. Đặc biệt ở đây còn có câu chuyện về gần chục dấu chân khổng lồ, dài chừng nửa mét, ngang 20 phân, nằm rải rác, in sâu vào những phiến đá như từ thủa hồng hoang mở cõi khiến nhiều người tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Những dấu vết trên đá này là hoàn toàn tự nhiên, không có sự tác động nào của con người. Ở những phiến đá khác không có vết chân in xuống cũng xuất hiện nhiều vết xước, vết lõm tự nhiên mang những hình thù kỳ lạ, hao hao giống các ngón tay, ngón chân của con người. 

Theo bác Tám, một người nhiều năm sinh sống bằng nghề bán nhang đèn ở chân núi thì cậu Bảy có tên thật là Lê Sĩ Triệt, con nuôi một vị sư trụ trì chùa Một trên vùng núi ở Tây Ninh. Mặc dù mồ côi từ nhỏ nhưng Lê Sĩ Triệt lại to khỏe, sức vóc hơn người và đặc biệt, rất giỏi võ nghệ. Lê Sĩ Triệt có công khai khẩn đất hoang, giúp dân trừ gian diệt ác, vì vậy sau khi ông mất, được dân làng phong thành Thần, lập miếu thờ trên đỉnh núi Cậu này để tưởng nhớ công ơn. Những vết chân in trên những tảng đá được cho là của ông khi làm việc giúp dân làng, tồn tại suốt từ đó đến nay. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng cậu Bảy thực chất là một nhân vật không có thật, được các chiến sỹ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp và sau là chống Mỹ tạo dựng lên nhằm làm kẻ thù khiếp sợ. Theo đó, những năm đầu thế kỷ 20, vùng rừng núi Tha La này âm u hoang vắng, được coi là chốn rừng thiêng nước độc, ít ai dám bén mảng tới và là căn cứ quan trọng của quân cách mạng vùng Dương Minh Châu. Những vết chân đá cũng được  quân ta tạo ra để làm cho kẻ thù hoang mang mà không dám tới gần. Vào những năm chiến tranh ác liệt, Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu, em trai Ngô Đình Diệm đã từng nhiều lần cho quân và máy móc tới để san bằng những ngọn núi Tha La nhằm làm giảm khí thế của quân ta nhưng đều không thành công. Truyền rằng, mỗi lần được lệnh lên núi Tha La, nhác thấy những vết chân đá khổng lồ ở chân núi, bọn địch lại khiếp sợ và truyền tai nhau về sức mạnh vô biên của cậu Bảy mà phải rút lui. Có thể nói, dù chủ nhân của những dấu chân kia là ai thì đến nay, đó vẫn là một sự bí ẩn, chưa có bất cứ một tài liệu nào giải thích tường tận được.

Và những câu chuyện huyền bí

Dù đã có nhiều câu chuyện giải thích về gốc tích của cậu Bảy nhưng chưa có một điều gì rõ ràng quanh nhân vật nửa hư nửa thực này. Chỉ biết, hiện nay bức tượng thờ cậu Bảy đặt trang trọng ở một gian lớn của chùa Thái Sơn là hình tượng một võ tướng, râu tóc dài, thần thái uy nghi, dáng hình to lớn khiến bất cứ ai nhìn vào cũng có cảm giác ngưỡng vọng, kính nể. Theo ông Tám, khi mới lập miếu thờ cậu Bảy, ngôi miếu khá nhỏ, nằm trên đỉnh ngọn núi Cậu, cao chừng hơn 300 mét với khoảng 400 bậc đá từ dưới chân núi đi lên. Tuy nhiên, sau ngày giải phóng miền Nam, có một người tên là Đinh Văn Trên, từng tham gia cách mạng hoạt động nhiều năm ở vùng này đã tình nguyện bỏ công sức ra xây lại miếu thờ cậu Bảy đồng thời xây thêm một ngôi chùa dưới chân núi Cậu, đặt tên là chùa Thái Sơn. Sau đó, ông làm trụ trì chùa Thái Sơn này, lấy Phật hiệu là Thích Đạt Phẩm.

Theo ông Tám, xung quanh khu vực núi Cậu từ xưa đến nay người ta đã tìm được 7 dấu chân in trên đá của Thánh nhân. Đó là các dấu chân in hằn, lõm sâu vào trong phiến đá rất rõ nhưng lại có kích thước khá khác nhau. Cụ thể, có một vết chân đá thuộc loại khổng lồ, lớn hơn kích thước chân người thường nhiều lần, nằm ở sau lưng chùa Thái Sơn như hiện nay. Theo quan sát của chúng tôi, vết chân đá này in rõ 5 ngón chân, giống như bàn chân người, sâu chừng 2 đến 3 cm trên một phiến đá lớn, có nhiều dấu vết rạn nứt tự nhiên của nắng mưa năm tháng chứ không thấy có sự tác động của bàn tay con người. Vết chân này có chiều dài khoảng hơn 60 cm, chiều ngang gần 20 cm, được cho là của cậu Bảy bởi lúc sinh thời Cậu là người to lớn vạm vỡ hơn bình thường. Mỗi bước đi của cậu đã in hằn trên những phiến đá nơi này. Ngoài vết chân này còn có 6 vết chân khác nằm rải rác ở khắp nơi trong núi Cậu như trên sườn núi, đỉnh núi và cả ở sau núi. Tuy nhiên, những vết chân này chỉ to hơn một chút so với chân người bình thường và có cảm giác thon nhỏ. Bên cạnh những bàn chân đá kỳ lạ này, ở khu vực núi Tha La, người dân còn phát hiện cả dấu tích của bàn tay có 5 ngón cũng in hằn trên đá nhưng mờ hơn, nằm sau đỉnh núi Cậu ở sườn phía Đông. 

Theo những người dân trong vùng thì đó chưa phải là toàn bộ các dấu chân đá bởi có thể vẫn còn nhiều dấu chân khác chưa được phát hiện, có thể chúng đang nằm lẩn khuất đâu đây giữa mênh mông núi đá nơi này. Mặc dù hiện nay di tích chùa Thái Sơn - Núi Cậu đã được chính quyền địa phương xếp hạng Di tích văn hóa cấp tỉnh nhưng những tài liệu nghiên cứu về các dấu vết kỳ lạ giống hình bước chân người trên đá này hầu như vẫn chưa có. Người dân và du khách muốn tìm hiểu và giải thích những hình thù này đều phải hài lòng với các câu chuyện tâm linh gắn liền với cậu Bảy mà thôi. Khi tham quan di tích chùa Thái Sơn - Núi Cậu, ngay bên cạnh miếu thờ tượng cậu Bảy du khách còn được thấy một chiếc hang sâu, tối om khuất trong lòng núi. Tương truyền đây là hang hổ, xưa có một con hổ rất dữ tợn, không ai dám tới gần, thường xuyên vào làng bắt lợn gà của dân lành. Nghe tin, cậu Bảy tìm đến cửa hang và thuần phục được chú hổ này, bắt nó làm vật cưỡi của mình trong khi di chuyển. Cũng có người lại cho rằng, tượng chú hổ này được hòa thượng Thích Đạt Phẩm xây lên bởi trong quan niệm nhà Phật, những bậc thánh nhân như cậu Bảy thường dùng hổ làm vật cưỡi khi di chuyển, gọi tên chung là Đế Thính. Mặc dù có vẻ ngoài dữ dằn nhưng Đế Thính thực chất cũng chỉ là vật cưỡi nên rất hiền lành, và có đôi tai vô cùng thính nhạy, có thể nghe được động tĩnh ở cách xa tới hàng trăm dặm. Chính vì thế, tượng Đế Thính đặt ở trước miếu thờ Cậu là để bảo vệ Cậu.

Men theo từng bậc đá đã in hằn rêu xanh của thời gian và mưa nắng, chúng tôi đi xuống chân núi. Phía xa, mặt hồ Dầu Tiếng rộng mênh mang như gợi lên bao nhiêu những câu hỏi về những hiện tượng kỳ bí nơi đây. Những hiện tượng nhuốm màu tâm linh lại đan xen cả những chi tiết lịch sử về con người và thánh thần từ thủa khai hoang mở cõi ở vùng đất Tha La này càng làm cho nó trở lên bí ẩn và linh thiêng gấp bội.