Benin ngập trong biển nước
(ANTĐ) - Một triệu người (11% dân số) đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ trận lũ lụt tồi tệ nhất mà đất nước Tây Phi này phải trải qua trong suốt thế kỷ qua.
Trong khi cộng đồng quốc tế còn chưa kịp tay giải quyết ảnh hưởng thiên tai cho Haiti và Pakistan thì ở Benin, 55 trong số 77 thành phố đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận lũ lụt tồi tệ nhất trong thế kỷ qua. Tất cả giờ đây đang bị ngập chìm trong biển nước.
Trên 105.000 người bị mất nhà cửa, trong khi hơn 800.000 người khác nhà cửa bị hư hỏng nặng, và thậm chí có nhiều người đã chết. 81.000 gia súc bị cuốn trôi và 300.000 hecta ruộng đồng bị xóa sổ. 12.000 tấn lương thực dự trữ bị cuốn trôi; các trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng hay bị hủy hoại hoàn toàn. Một phần ba trẻ em Benin bị thiếu ăn ngay trước khi trận lũ xảy ra. Khoảng 1 triệu người lâm vào cảnh túng quẫn trong tổng số 9 triệu dân này.
Các số liệu thống kê đưa ra thật sửng sốt. Số người lâm vào cảnh túng quẫn sẽ tương đương với khoảng 6 triệu người ở Anh, 30 triệu người ở Mỹ…và một phần ba trẻ em ở các nước này đang gặp nguy hiểm.
Theo tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới, tình trạng ở nước này đang trở nên “nguy kịch”. Hậu quả tức thì của trận lũ chưa thể tính hết được khi các nhân viên cứu trợ đang cảnh báo rộng rãi về một khả năng có thể bùng phát dịch tả, các căn bệnh nhiễm khuẩn giờ đây đã tìm thấy môi trường thích hợp để phát sinh qua nước mưa và những hệ thống dẫn nước bị tràn vỡ.
Số người bị ảnh hưởng có lẽ còn tiếp tục tăng lên do những trận mưa bắt đầu vào giữa tháng 9 và làm cho nước sông Niger dâng lên khắp mọi nơi và mưa sẽ còn tiếp tục cho đến hết tháng 11.
Ông Valerie Amos, Phó tổng thư ký LHQ phụ trách các hoạt động nhân đạo, dẫn lời LHQ, tuyên bố: “Sự mất mát nhà cửa, vật nuôi, áo quần, nông cụ và hạt giống gây ra những hậu quả tàn phá và dài lâu cho nhiều người và đó là lý do, cùng với chính phủ Benin, chúng tôi kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp sức giúp người dân Benin thoát khỏi cơn nguy biến này.”
Benin cần sự giúp đỡ. Đất nước này đang rất cần nước uống, thực phẩm, nơi ăn ở và các dụng cụ vệ sinh cũng như màn chống muỗi để ngăn ngừa dịch sốt rét.
Quỹ Cứu trợ Khẩn cấp trung tâm LHQ (CERF), Chương trình lương thực thế giới (WFP), Quỹ Trẻ em (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Văn phòng Điều phối Nhân đạo (OCHA) và Kế hoạch Hành động Nhân đạo Khẩn cấp (EHAP) đã bắt tay vào hành động.
Nhưng nếu không có tiền thì họ cũng đành bó tay. Do vậy trách nhiệm của các phương tiện thông tin là không được giấu giếm những gì đã và đang xảy ra, mà phải thường xuyên chia sẻ, báo cáo cho cộng đồng quốc tế biết để họ có thể kịp thời giúp đỡ.
Tân Vũ
Theo Báo Nga