Bệnh viêm gan cấp tính 'bí ẩn' ở trẻ em có thể liên quan đến Covid-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết, các nhà khoa học trên thế giới đang tập trung vào 4 giả thuyết liên quan đến bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em…
Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn" (Ảnh minh họa)

Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn" (Ảnh minh họa)

Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến ngày 10-5, đã ghi nhận 348 trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ tại 25 quốc gia. Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm loại bệnh viêm gan này.

TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, qua thông tin từ WHO, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em có một số đặc điểm chung.

Về độ tuổi, trẻ mắc bệnh đều trong lứa tuổi từ 0 – 16 tuổi. Trẻ nhỏ mắc bệnh nhiều hơn.

Về triệu chứng, trẻ mắc bệnh có một hoặc nhiều các triệu chứng như sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy… Có các triệu chứng tổn thương gan ở nhiều mức độ khác nhau như vàng da, vàng mắt, phân bạc mầu, có sự hủy hoại tế bào gan. Đặc biệt, không tìm thấy các nguyên nhân thông thường đã biết gây tổn thương gan.

Về diễn biến bệnh, bệnh nhân có thể hồi phục sau điều trị hỗ trợ tích cực, tuy nhiên một số trường hợp diễn biến nặng gây suy gan không hồi phục, cần ghép gan và đã có những trường hợp tử vong;

TS Hoa khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi trẻ, nếu trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, li bì hơn… cần đưa trẻ tới khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân gây loạt ca bệnh viêm gan cấp tính 'bí ẩn' ở trẻ em tại nhiều nước trên thế giới, TS Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết, có một số giả thuyết được đưa ra và các nhà khoa học tập trung nghiên cứu và làm rõ.

Đầu tiên là sự liên quan của Adenovirus, đặc biệt là chủng Adenovirus 41, tới sự khởi phát tổn thương gan cấp tính.

Thứ hai là vai trò gây tổn thương gan của virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19).

Thứ ba là liệu có sự xuất hiện của một biến thể virus mới hay không?

Thứ tư là sự thay đổi và đáp ứng miễn dịch của trẻ sau mắc Covid-19, cũng như đáp ứng với với các virus thông thường khác.

Theo WHO, có 70% bệnh nhân trong nhóm viêm gan chưa rõ nguyên nhân ở Anh và 50% số ca bệnh ở Mỹ phát hiện có Adenovirus chủng 41. Đây là loại virus đã được phát hiện từ 1953 với nhiều chủng và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan.

Tuy nhiên tới nay chưa đủ bằng chứng để khẳng định Adenovirus là nguyên nhân gây bệnh ở nhóm bệnh trẻ viêm gan cấp nói trên.