Bệnh tưởng đơn giản nhưng nguy hiểm

ANTĐ - Với khoảng 20-40 triệu người dân nhiễm giun (gần 50% dân số), Việt Nam đang là nước có số người nhiễm giun đường ruột cao ở châu Á. Người dân Việt Nam chưa có thói quen tẩy giun định kỳ và cũng thiếu những kiến thức tối thiểu về việc tẩy giun.

1,5 triệu lít máu nuôi giun mỗi năm

Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết, 50% người Việt Nam tại các vùng khác nhau có thể bị nhiễm giun, đa phần là trẻ em, học sinh. Tỷ lệ trẻ em nhiễm giun ở khu vực phía Nam là 10-50%, trong khi ở miền Bắc - vùng thói quen canh tác còn sử dụng phân tươi bón ruộng đất khá phổ biến - thì có nơi đến hơn 80% trẻ nhiễm giun sán. Ước tính hằng năm người dân mất 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực để nuôi giun. Nhiễm giun gây nên những bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Trẻ khi nhiễm giun thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, làm cho bé sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác. Đó là chưa kể những biến chứng như giun chui ống mật, tắc ruột…  

Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm... Do đó việc tẩy giun không nên tẩy đơn lẻ cho mỗi cá nhân mà phải tẩy giun cho cả gia đình vì khả năng tái nhiễm trứng giun từ môi trường, cộng đồng là rất cao. 

Nhiều phụ huynh lo lắng

Mới đây, một trường hợp trẻ mầm non tử vong nghi liên quan đến thuốc tẩy giun ở Nghệ An đã khiến Bộ Y tế đã phải đưa ra quyết định dừng cho trẻ uống thuốc tẩy giun trong ngày vi chất dinh dưỡng. Chưa có kết quả điều tra chính thức, nhưng thông tin này đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, hoang mang về việc cho con uống thuốc tẩy giun có nguy hiểm gì không.

Theo các bác sĩ, hiện các loại thuốc tẩy giun đang được lưu hành tại Việt Nam đều an toàn và hiệu quả vì vậy các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng. Với trẻ trên 2 tuổi cần tẩy giun định kỳ 2 lần/năm. Với trẻ dưới 2 tuổi, cần được đưa đi khám để làm xét nghiệm tầm soát và khi đã có bằng chứng chính xác của nhiễm giun, trẻ sẽ được điều trị dưới sự theo dõi của bác sĩ. Đặc biệt, có một số bệnh chống chỉ định với thuốc tẩy giun vì vậy cha mẹ cần kiểm tra sức khỏe bé trước khi quyết định tẩy giun cho con. Nếu trẻ mắc một số bệnh mãn tính, tim bẩm sinh, suy tim, suy gan, suy thận, đang ốm, sốt... không nên tẩy giun hoặc nếu tẩy, phải có chỉ định, có sự theo dõi của bác sĩ. 

Bên cạnh đó, thuốc tẩy giun cũng có một số tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu, nôn, nổi mề đay, mệt... với những người có cơ địa nhạy cảm hoặc dị ứng với thành phần của thuốc. Cho trẻ uống thuốc tẩy giun phải uống sau khi ăn no. Nếu sau khi uống mà mệt, cần bổ sung nước, nước đường, sữa... thì các triệu chứng sẽ mất dần. Nếu trẻ có biểu hiện mệt nặng, nôn thì nên vào viện ngay để có hướng điều trị đúng. 

Ở những khu vực nằm trong vùng dịch tễ bệnh, vùng có tỷ lệ nhiễm và cường độ nhiễm cao giun cao, nhiễm phối hợp nhiều các loại giun đường ruột, vùng nhiễm giun móc nhiều, có thể 4 tháng tẩy giun một lần theo khuyến cáo của WHO. Ngoài ra, cần kết hợp những biện pháp chống giun thông thường như giữ gìn vệ sinh môi trường sống, chỉ ăn uống những loại thực phẩm đã được nấu chín, rửa rau dưới vòi nước sạch, không đi chân đất…

Mới đây, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương đã bắt đầu chương trình “Tẩy giun cộng đồng 6116”, theo đó, để người dân dễ dàng ghi nhớ lịch tẩy giun định kỳ, chương trình đề xuất 2 ngày tẩy giun trong năm là ngày 6-1 và ngày 1-6.