Bệnh thủy đậu gia tăng, nhiều trẻ nhỏ bị lây bệnh từ lớp học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gần đây, số bệnh nhân mắc thủy đậu vào điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng hơn, đa phần trẻ nhập viện ở lứa tuổi học mầm non…
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám cho bệnh nhi thủy đậu
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám cho bệnh nhi thủy đậu

Riêng tại Khoa Nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tuần qua tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 10 trường hợp, hầu hết là trẻ em, chỉ có một trường hợp là người lớn.

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trẻ mắc thủy đậu có các dấu hiệu chung khi nhập viện là sốt cao, nổi nhiều nốt phỏng ở toàn thân, bỏ bú, ăn uống kém. Các nốt phỏng cũng khiến trẻ khó chịu, ngứa ngáy nên thường xuyên quấy khóc.

Qua lời kể từ phía gia đình các bệnh nhi mắc thủy đậu, một số trẻ bị lây ở lớp học mầm non, tiểu học bởi cùng lớp với các bé cũng có nhiều trường hợp mắc thủy đậu. Bên cạnh đó có một số trẻ nhỏ chưa đi học nhưng có tiếp xúc với anh chị đang học mầm non và bị mắc thủy đậu.

Tương tự, thời gian gần đây, tại Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cũng liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh với chẩn đoán mắc thủy đậu. Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như: Sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 giờ đến 24 giờ. Sau đó, các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, mụn mủ, bệnh nhân có ho và đi ngoài phân lỏng.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện 108 cho biết, bệnh thủy đậu gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não. Di chứng sau đó có thể là điếc; động kinh; chậm phát triển tinh thần, vận động…

Thủy đậu là bệnh dịch dễ lây lan và bùng phát trong mùa đông xuân. Các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả nhất đó là tiêm vaccine.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Mạnh thông tin thêm, đối với bệnh thủy đậu, hiện không có biện pháp điều trị đặc hiệu mà thường tập trung làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước.

Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh thủy đậu rất quan trọng, cần ăn uống đầy đủ, ăn thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.