Bệnh lao ngày càng trẻ hóa

ANTĐ - Hiện nay, mỗi năm ở Việt Nam phát hiện khoảng 100.000 bệnh nhân lao mới, cùng với đó số người mắc các bệnh khác như viêm phổi, phế quản, nấm phổi, hen, dị ứng do khói bụi… cũng tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, nghịch lý là y bác sĩ làm việc trong lĩnh vực này lại ngày càng khan hiếm.

Nguy cơ lan rộng trong cộng đồng

Nếu như 7 năm trước, 70% bệnh nhân của BV Lao và Bệnh phổi Trung ương (nay là BV Phổi Trung ương) là các trường hợp mắc lao thì hiện nay, phần lớn là người mắc các bệnh như viêm phổi, phế quản, nấm phổi, hen, dị ứng do khói bụi… PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, số người mắc bệnh phổi mạn tính hiện nay tăng 10 - 20 lần so với 10 năm trước, phổ biến nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Năm 2005, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân vào BV là bệnh nhân COPD, nhưng nay con số này lên tới 60 - 70%. Hầu hết người bệnh đều có tình trạng suy giảm chức năng hô hấp, sức khỏe kém. Theo bác sĩ Đào Bích Vân, Trưởng khoa Thăm dò phục hồi chức năng - BV Phổi Trung ương, có tới 95% bệnh nhân COPD là những người sống và làm việc ở môi trường ô nhiễm. Căn bệnh gây tử vong rất cao này chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.

Số bệnh nhân mắc lao tăng nhanh trong 10 năm trở lại đây

Trong những năm qua, công tác phòng chống lao được triển khai rất mạnh mẽ, nhờ đó số bệnh nhân lao mắc mới đã giảm đáng kể và không còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu các bệnh về phổi. Tuy nhiên, bệnh lao vẫn đang là gánh nặng lớn đối với xã hội và có nguy cơ tăng mạnh trở lại do chúng ta vẫn chưa kiểm soát được bệnh này, đặc biệt là tình trạng bệnh lao kháng thuốc đang lan rộng ngoài cộng đồng và việc phòng ngừa rất khó khăn. PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ cho biết, điều đáng ngại là tỷ lệ lao phổi đang gia tăng ở nhóm tuổi trẻ và ngày càng có xu hướng trẻ hóa, tập trung ở nhóm thanh niên từ 15-24 tuổi.

Nguyên nhân khiến bệnh lao “trẻ hóa” một phần do tác động của xã hội, một phần do liên quan lối sống hoặc nhiễm HIV của một bộ phận thanh thiếu niên. Thống kê của ngành y tế cho thấy cứ ba người mắc bệnh lao thì một bị kháng thuốc và chi phí điều trị cho trường hợp này cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường. Mỗi năm cả nước có thêm gần 6.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc, trong khi tỷ lệ điều trị thành công ở những bệnh nhân này chỉ đạt 70%.

Thiếu trầm trọng cán bộ

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ cho biết, thách thức lớn nhất trong công tác phòng chống lao ở nước ta hiện nay chính là tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt tại các BV tuyến huyện, nhân lực làm công tác chống lao vừa thiếu lại vừa yếu. Hiện không có bác sĩ chuyên khoa phục vụ tại những nơi gần dân, nhất là huyện, xã, khiến người dân khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế chuyên khoa lao, phổi dẫn đến quá tải các BV tuyến trên. Ngay cả những BV chuyên khoa lao, phổi tuyến đầu ngành cũng đang ngày càng khan hiếm bác sĩ, cán bộ y tế trẻ. Đội ngũ làm công tác phòng chống, điều trị lao chủ yếu vẫn là những bác sĩ lâu năm.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, tỷ lệ bác sĩ cho hoạt động chống lao mới chỉ đạt 1,58 bác sĩ/100.000 dân, tính chung cả lực lượng cán bộ chuyên trách là 12/100.000 dân, thấp nhất so với các lĩnh vực y tế khác. Nhiều BV Lao phổi tuyến tỉnh, thành phố đã 10 năm nay chưa tuyển thêm được một bác sĩ nào. Mặc dù ngành y tế đã cố gắng kêu gọi nguồn nhân lực cho phòng chống lao nhưng do cán bộ làm việc trong lĩnh vực này có nguy cơ lây nhiễm cao, thu nhập lại thấp hơn so với bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực khác, chưa kể đến sự kỳ thị của xã hội vẫn đang tồn tại… khiến y bác sĩ trẻ không mặn mà theo học và cống hiến cho chuyên ngành này.

Chương trình phòng chống lao quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc so với ước tính năm 2000, khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc bằng mức năm 2010 và tiến đến thanh toán hoàn toàn bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, ông Sỹ cho rằng cần phải đặt công tác chống lao là một ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của nhà nước và địa phương, đồng thời tăng cường công tác phát hiện và quản lý ca bệnh.