Bệnh do thiếu i-ốt có thể quay lại

ANTĐ - Lấy lý do muối i-ốt có vị mặn và mùi khó chịu, nhiều người quên sự hiện diện quan trọng của muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày khiến nhiều bệnh liên quan đến thiếu i-ốt đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại.

Giảm tỷ lệ người dân sử dụng i-ốt

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, hiện nay có 90% cha mẹ hiểu rõ tác dụng của muối i-ốt nhưng chưa thực sự quan tâm. Điều tra gần đây cho thấy gần 47% học sinh hoàn toàn không hiểu biết gì về lợi ích của chất này. Xu hướng công nghiệp hóa khiến các gia đình ít khi đủ mặt trong 3 bữa ăn chính. Vì vậy, lượng muối i-ốt được dùng trong bữa ăn gia đình chưa đủ đáp ứng nhu cầu i-ốt của cơ thể. Tình trạng thiếu muối i-ốt còn do thức ăn chế biến sẵn trên đường phố và thức ăn công nghiệp gần như bỏ quên loại muối này.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, độ bao phủ muối i-ốt của 2005 là gần 93% nhưng đến năm 2009 đã giảm xuống chỉ còn chưa đầy 70%. Báo động nhất là ở Hà Nội, hiện nay độ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là 25,6%, trong khi tỷ lệ sử dụng các chế phẩm có i-ốt là 81,7%. Trong khi năm 2005, độ bao phủ muối đủ tiêu chuẩn phòng bệnh tại Hà Nội là gần 100%. Tương tự ở TP.HCM, tỉ lệ này giảm từ gần 68% xuống còn hơn 54%; duyên hải miền Trung từ 93,7% xuống 68%... Trong khi ở Hà Nội, trước đây gần như 100% người dân sử dụng muối i-ốt nhưng nay số người chuyển sang sử dụng bột canh nhiều nhất toàn quốc (gần 95%), trong đó chỉ 78% dùng bột canh có chứa i-ốt.

Kết quả giám sát chất lượng muối tại Hà Nội cũng cho thấy, tại các hộ gia đình chỉ có 11% mẫu muối đủ tiêu chuẩn phòng bệnh, tại các điểm bán lẻ là 7%, tại các cơ sở sản xuất muối là 22%...

Bệnh tật quay trở lại

Căn bệnh “nổi tiếng” liên quan đến thiếu i-ốt đó là bướu cổ đã xuất hiện đầu tiên. Điều tra tỷ lệ bướu cổ ở học sinh từ 8-10 tuổi của Bộ Y tế cho thấy: Ở Bắc Giang, tỷ lệ học sinh bướu cổ là 13%; và các tỉnh Bắc Kạn, Hải Dương, Long An, Đồng Tháp có 6% học sinh bướu cổ. Trong số các vấn đề sức khỏe hiện tại và mãn tính, phổ biến nhất đối với thanh niên, bệnh bướu cổ chiếm 12,7%, đứng thứ ba hiện nay chỉ sau tim mạch và các bệnh về tiêu hóa. Nguyên nhân dẫn đến bướu cổ ở thanh niên do thiếu i-ốt. Đặc biệt, tỉ lệ này có xu hướng tăng trong những năm gần đây”- báo cáo phân tích hiện trạng trẻ em năm 2010 của UNICEF.

Thiếu i-ốt không chỉ gây nên bướu cổ mà còn gây ra một loạt các tổn thương của hệ thống thần kinh trẻ em, ảnh hưởng sự phát triển tổn thương não bộ của trẻ, cho nên người ta thường gọi chung là các rối loạn do thiếu i-ốt (CRLDTI). Mặc dù căn nguyên và bệnh sinh do thiếu i-ốt đã được biết từ những năm đầu của thế kỷ 20, nhưng cho đến nay, thiếu i-ốt vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn cho khoảng 1,6 tỷ người trên thế giới, nhất là trẻ em ở các nước đang phát triển.

Kết quả này càng thêm bằng chứng về tình trạng thiếu hụt i-ốt đã quay trở lại Việt Nam. Thiếu muối i-ốt còn để lại hậu quả nặng nề đối với phụ nữ và trẻ em. Theo thống kê có đến gần 78% phụ nữ mang thai bị thiếu i-ốt, trong đó hơn 44% thiếu từ trung bình đến nặng. Ở những phụ nữ mang thai, nó có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, đẻ non...

TS Nguyễn Văn Tiến- Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, trong quá trình mang thai, thiếu i-ốt có thể dẫn đến sảy thai, đẻ non, thai chết lưu. Báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2010 cho thấy, 2/3 phụ nữ mang thai thiếu i-ốt. “Thiếu i-ốt ở phụ nữ và trẻ em có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não và hệ thần kinh; thiếu i-ốt nặng và kéo dài có thể gây các tổn thương không phục hồi của não” - TS Tiến nói. Theo tiến sĩ, tình trạng thiếu iốt có thể ví như như một tảng băng, phần nổi chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ:

5-10% là đần độn, còn 20-30% là bệnh bướu cổ. Trong đó phần còn lại không nhìn thấy được là những trường hợp bị thiếu năng lượng, giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông Tiến cũng cho rằng cũng cần phải lưu ý xem các chế phẩm có i-ốt hằng ngày đang dùng đã cung cấp đủ lượng i-ốt cần thiết chưa. Lý do là, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm có i-ốt của người dân Hà Nội tương đối cao (gần 82%), nhưng độ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh lại rất thấp 25,6%. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý, nhu cầu sử dụng iốt của mỗi nhóm khác nhau. Trẻ và phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú cần lượng vi chất này nhiều hơn cả.