"Bẻ tuyến" không để xe khách chạy xuyên tâm

ANTD.VN - Hà Nội đang sắp xếp lại luồng tuyến xe khách liên tỉnh nhằm đảm bảo quy hoạch giao thông vận tải đã được phê duyệt cũng như hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Đến thời điểm hiện tại, thành phố cơ bản không còn những tuyến xe khách liên tỉnh chạy xuyên tâm. 

Luồng tuyến vận tải đã được sắp xếp để không còn xe khách chạy xuyên thành phố

Hạ tầng không theo kịp vận tải

Theo Sở GTVT Hà Nội, Hà Nội hiện có 5 bến xe chính gồm Gia Lâm, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa và Mỹ Đình với tổng diện tích hơn 160.000m2, kết nối với các bến xe của 41 tỉnh, thành phố, với tần suất hoạt động là 4.915 nốt, 140.411 chuyến/tháng, 4.738 phương tiện, khoảng 450 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải. Trong đó, Hà Nội chỉ có 61 doanh nghiệp, còn lại là do các địa phương khác quản lý. 

Theo các quy hoạch trước đây, đến năm 2030, khu vực đô thị trung tâm Hà Nội có 11 bến xe khách liên tỉnh, khu vực Bắc sông Hồng 4 bến, Nam sông Hồng 7 bến.  Mặc dù quy hoạch này đã được UBND TP Hà Nội quan tâm thực hiện nhưng việc cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống bến xe còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại chưa theo kịp việc phát triển mạng lưới vận tải. 

Theo Sở GTVT, từ nay đến năm 2020, 5 bến xe trên vẫn tiếp tục vận hành, trong đó các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm đã quá tải, các bến Yên Nghĩa và Nước Ngầm còn có khả năng tiếp nhận thêm tuyến mới.

Tuy nhiên, bến xe Nước Ngầm gặp khó khăn trong việc trung chuyển hành khách từ bến xe vào trung tâm thành phố và ngược lại. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng mới các bến xe theo phương thức xã hội hóa gặp khó khăn.

Theo quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng 2030 được Bộ GTVT phê duyệt, các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố được giữ nguyên hiện trạng.

Các tuyến đi và đến địa bàn Hà Nội sẽ được ưu tiên bố trí như sau: các tuyến theo QL1, QL1B đi vào bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo đường Hồ Chí Minh, QL6 đi vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng QL32, cầu Thăng Long đi vào bến Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng QL1 đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào Nước Ngầm, Giáp Bát. 

Không còn xe khách chạy xuyên tâm

Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, dù quy hoạch như vậy nhưng trong bối cảnh mạng lưới giao thông công cộng của Thủ đô còn đang được xây dựng, tính kết nối giữa các bến xe chưa cao nên không thể thực hiện một cách cứng nhắc. Bởi, người dân ở phía Bắc vẫn có nhu cầu đi lại về phía Nam, phía Tây…

Về lâu dài, khi hệ thống giao thông công cộng đã hoàn thiện thì mới có thể tổ chức được quy hoạch mạng lưới vận tải khách liên tỉnh một cách triệt để. “Mục tiêu cao nhất của quy hoạch là giảm tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng cũng phải từng bước thực hiện. Trước mắt, Sở GTVT ưu tiên giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến vành đai 3, từ cầu Thăng Long tới Khuất Duy Tiến, đặc biệt vào giờ cao điểm”, ông Hà Huy Quang thông tin.

Theo thống kê của Sở GTVT, vào giờ cao điểm,  trên tuyến vành đai 3 có 1.616 chuyến xe khách/tháng đi qua. Mỗi ngày, có tới 2.020 chuyến xe khách đi trên trục này. Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc trên tuyến này, Sở GTVT đề xuất phương án 1 là điều chỉnh lộ trình tuyến để xe khách lưu thông vào trục này, theo hướng xe không đi qua cầu Thăng Long và bẻ sang đường 5 kéo dài, cầu Đông Trù, cầu Thanh  Trì rồi đi vào các bến xe.

Phương án 2 thực hiện đúng quy hoạch của Bộ GTVT đã phê duyệt. Song, theo ông Hà Huy Quang, để điều chỉnh toàn bộ xe khách hoạt động trên tuyến vành đai 3 hiện nay sẽ liên quan đến 325 doanh nghiệp vận tải của 32 tỉnh, thành phố.

Việc này đặt ra bài toán mang tính xã hội rất lớn, đặc biệt là vừa đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp vừa phải đảm bảo được nhu cầu đi lại của nhân dân. “Sở GTVT mới báo cáo phương án lên UBND thành phố để xin chủ trương thực hiện”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin. 

Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2015 đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện sắp xếp lại luồng tuyến vận tải khách, theo đó, hầu hết các tuyến đều được bẻ đi theo đường vành đai. “Đến nay, không còn tình trạng xe khách chạy xuyên tâm”, ông Hà Huy Quang khẳng định.