Bế tắc trong bất ổn

ANTĐ - Bất chấp sự chống đối quyết liệt của phe đối lập, cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Thái Lan vẫn được tổ chức trên cả nước. Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan cho biết cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội mới đã được tổ chức một cách minh bạch và các nhân viên bầu cử đã làm hết khả năng trong phận sự của mình.

Người biểu tình chống chính phủ cắt dây thép gai bên ngoài nơi làm việc của Thủ tướng Thái Lan

Tuy nhiên, do các hoạt động cản trở của phe đối lập nên vẫn có tới 10.283 phòng phiếu ở 69 khu vực bầu cử không thể mở cửa đón cử tri trong ngày 2-2, khiến 8,75 triệu cử tri không thể thực hiện được quyền công dân của mình. Phần lớn các điểm này nằm ở Thủ đô Bangkok và khu vực phía Nam nơi được coi là “cứ địa” của phe đối lập. 

Những số liệu chưa chính thức về cuộc bầu cử Quốc hội ngày 2-2 cho thấy chỉ có 45,8% cử tri hội đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu. Theo số liệu của EC, tính riêng tại Thủ đô Bangkok chỉ có 26,1% cử tri bỏ phiếu, ít hơn rất nhiều so với con số 71,6% trong các lần thăm dò trước khi cuộc bầu cử diễn ra. 

Cho dù tỷ lệ trên chưa tính số cử tri tại 9 tỉnh với hơn 10.000 điểm bỏ phiếu trong tổng số gần 94.000 điểm bỏ phiếu không thể mở cửa do vấp phải sự cản trở của người biểu tình hoặc thiếu phiếu bầu và nhân viên hỗ trợ song vẫn thấp xa với tỷ lệ 75% cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử năm 2011. Giới quan sát cho rằng số lượng cử tri thấp chứng tỏ chiến dịch chống chính phủ đã ảnh hưởng sâu rộng hơn dự tính.

Không chỉ tìm cách ngăn cản tổng tuyển cử, phe đối lập còn muốn thúc đẩy kế hoạch hủy bỏ kết quả bầu cử. Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập tuyên bố đang thu thập chứng cứ để gửi đơn đề nghị Tòa án Hiến pháp Thái Lan không công nhận kết quả bầu cử với lý do cuộc bầu cử lần này vi phạm luật bầu cử và Hiến pháp. 

Theo luật pháp Thái Lan, việc tổ chức bỏ phiếu lại tại hơn 10.000 điểm bỏ phiếu sẽ phải diễn ra trong thời gian 180 ngày, tương đương với 6 tháng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Quốc hội mới của Thái Lan có thể họp phiên đầu tiên để bầu ra Chính phủ mới trong thời gian khá dài.

Thế bế tắc trong sự bất ổn còn có thể kéo dài khi thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ Suthep 

Thaugsuban tuyên bố những người biểu tình sẽ tiếp tục các hoạt động chống đối như chiếm các trụ sở cơ quan chính phủ nhằm buộc chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck phải từ chức và thực hiện cải cách quốc gia. Hiện nay, hàng trăm người biểu tình tiếp tục bao vây Văn phòng Ủy ban thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan, nơi Thủ tướng Yingluck và các thành viên nội các làm việc tạm thời kể từ khi phong trào chiếm giữ trụ sở công quyền của phe đối lập được khởi xướng. 

Trước sự bế tắc trong bất ổn tại Thái Lan, Mỹ sau khi bày tỏ quan ngại rằng “tình hình căng thẳng chính trị đang thách thức nền dân chủ của Thái Lan” đã tuyên bố không muốn chứng kiến một cuộc đảo chính quân sự hay bạo lực tại quốc gia Đông Nam Á này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh, Mỹ không đứng về bên nào đồng thời hối thúc tất cả các bên ở Thái Lan tiến hành đối thoại thẳng thắn nhằm giải quyết bất đồng chính trị một cách hòa bình và dân chủ.