Bê bối tham nhũng chấn động Macau

ANTD.VN - Ngày 14-7, cựu Trưởng Công tố Macau (Trung Quốc) Ho Chio-meng (61 tuổi) bị kết án 21 năm tù với 1.536 tội danh gồm: tham nhũng, lừa đảo, rửa tiền, đưa người nhà vào cơ quan Nhà nước và nhiều tội khác. Đây là vụ án rất nghiêm trọng vì bị cáo đã phạm rất nhiều tội trong một thời gian dài đương chức.

Cựu trưởng công tố Macau phát biểu trong một sự kiện hồi năm 2008 

Theo SCMP, ngày 27-2-2016, khi sắp lên phà trốn sang Hồng Kông (Trung Quốc), Ho Chio-meng (người đứng đầu Văn phòng Công tố Macau thời kỳ 1999-2014) bị Ủy ban Chống tham nhũng Macau bắt trong vụ điều tra tham nhũng hàng triệu USD. 

Tòa phúc thẩm Macau bắt đầu xét xử Ho Chio-meng từ ngày 9-12-2016 với những cáo buộc gian lận và lạm dụng quyền lực, liên quan đến khoảng 76 triệu Pataca - đơn vị tiền tệ của Macau (9,5 triệu USD). Tuần báo Asia Week đã tóm tắt một số hành vi trái pháp luật cũng như lối sống hưởng thụ, phóng túng của Ho Chio-meng trong thời gian tại nhiệm. 

Nhà công thành của tư 

Trong phiên xét xử, Ho Chio-meng bị cáo buộc sử dụng tiền thuế của dân vào “phòng nghỉ ngơi bí mật”. Căn phòng ở cùng tầng với phòng của Công tố viên Ho, phía sau một bức tường giả là bàn chơi bóng bàn, bàn bida, thiết bị massage, phòng tắm hơi, nệm và đồ nội thất có giá trị được làm từ gỗ quý.

Bên cạnh đó, Cơ quan Truy tố do Ho Chio-meng đứng đầu đã thuê một căn biệt thự nghỉ dưỡng ở Cheoc Van, Coloane với giá 46.000 Pataca một tháng giữa năm 2006 và 2014. Biệt thự này được sử dụng với mục đích tiếp khách của cơ quan, nhưng Ho đã dùng vào mục đích cá nhân. Tổng số tiền công đã được bỏ ra để thuê căn biệt thự trên là 5,1 triệu Pataca.

Cựu Trưởng Công tố Macau (Trung Quốc) Ho Chio-meng bị kết án 21 năm tù với 1.536 tội danh là vụ bê bối tham nhũng chấn động nhất Macau kể từ năm 2009, khi nguyên lãnh đạo ngành Giao thông Ao Man-long bị tuyên án 28,5 năm tù giam, sau khi bị phát hiện nắm giữ gần 5 triệu USD tài sản có được một cách phi pháp.

Tại tòa, Ho Chio-meng đã thừa nhận rằng sau khi về hưu, ông ta vẫn tiếp tục sử dụng căn biệt thự trên mà không trả tiền trong thời gian 1,5 năm (từ năm 2015 tới đầu năm 2016). Rất nhiều đồ dùng cá nhân cũng như vật dụng trang trí của Ho được tìm thấy tại căn biệt thự này. Ho Chio-meng bào chữa rằng ông đã sử dụng căn nhà vì lý do an ninh.

Không thiếu tiền và phụ nữ đẹp 

Mak Hak Neng (54 tuổi), lái xe riêng của Ho Chio-meng cho biết, khoảng năm 2005 - 2006, ông đã qua lại giữa Macau và đại lục mỗi tháng một lần cùng những túi tiền chứa khoảng 100.000 tới 300.000 đô la Hồng Kông, tương đương từ 13.000 đến 40.000 USD rồi gửi vào tài khoản ngân hàng mang tên ông Ho.

Cựu Công tố trưởng Ho Chio-meng còn bị cáo buộc đã gặp gỡ nhiều phụ nữ đẹp trong những khách sạn ở Macau và Chu Hải bằng chi phí của Văn phòng Công tố mà ông đứng đầu. Mak Hak Neng cho biết ông thường chở những người đẹp tới các khách sạn và đăng ký phòng khách sạn bằng tên của mình rồi lấy chìa khóa phòng đưa cho Ho Chio-meng.  

Những chuyến đi châu Âu cũng bằng tiền công

Vào mùa hè năm 2015, lấy cớ tham gia hội nghị quốc tế, Ho Chio-meng đã tới Copenhagen, Đan Mạch cùng người thân bằng tiền công. Nhưng tại tòa, Ho ngụy biện rằng vấn đề trên đã được thông qua với Trưởng Công tố kế nhiệm Edmund Ho. Sau chuyến đi trên, Ho Chio-meng còn cùng 4 người thân, trong đó có vợ tới Hà Lan, Đức và một số nước Bắc Âu. Chi phí cho những chuyến đi trên được cho là 590.000 Pataca.

“Hoa hồng” cho những dự án 

Ho Chio-meng còn bị tố cáo lạm dụng quyền lực hậu thuẫn cho một số công ty từ năm 2004 tới năm 2014. Những công ty trên đã thực hiện nhiều dự án của văn phòng công tố trị giá 21 triệu USD, trong đó Ho Chio-meng ít nhất đã bỏ túi 5,33 triệu USD. Một trong số những nhân chứng khẳng định, trong suốt 15 năm, văn phòng công tố không hề tiến hành một cuộc đấu thầu công khai, mặc dù theo luật, các công trình có giá trị hơn 750.000 Pataca phải được đưa ra đấu thầu công khai.

Ho Chio-meng còn được cho là đã thành lập một nhóm đặc biệt chuyên xử lý các vấn đề liên quan đến hàng hóa và dịch vụ được sử dụng ở văn phòng công tố và thường gắn mác “an ninh” và “bảo mật” đối với hoạt động này để không phải tiết lộ thông tin ra ngoài.