''Bầu thì bầu tao đánh cho chết luôn'' và câu chuyện vì sao con lại đánh mẹ

ANTD.VN - ''Bầu thì bầu tao đánh cho chết luôn'' và câu chuyện vì sao con lại đánh mẹ. Hai câu chuyện trên vốn chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại phản ánh một sự thật mà thời gian vừa qua chúng ta chứng kiến, đó là phụ huynh học sinh hành hạ cô giáo và người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ...

“Bầu thì bầu, tao đánh cho chết luôn” là câu chuyện về một vị phụ huynh học sinh bắt cô giáo của con mình quỳ - dù cô giáo ấy đang mang bầu (mang thai). Vì nghi ngờ vết tím ở chân con mình là do cô giáo đánh nên bà ta đã bắt cô giáo ấy quỳ. Dù bản thân bà ấy cũng đã từng mang bầu 9 tháng 10 ngày, đau đớn để sinh ra con mình thì vẫn có thể nói ra những lời cay nghiệt “Bầu thì bầu, tao đánh cho chết luôn”.

Liệu đó có phải là sự cay độc của phụ nữ như đã từng được mô tả trong một chuyện cổ tích nào đó, em xuống hố, chị gội nước sôi để tắm cho em, sau đó cho vào hũ làm mắm gửi về cho dì ghẻ, dì ghẻ ăn khen ngon nức nở…

Bác Hồ nói: Lương y như từ mẫu. Dịch một cách đơn giản là người bác sỹ tốt thì như mẹ hiền, người mẹ hiền ấy chăm sóc các bệnh nhân, ở đây như những người con của mình vậy. Vậy thì câu chuyện ở đây là vì sao gần đây lại xảy ra hiện tượng “con đánh mẹ” như thế. Vì sao “con lại đánh mẹ”? Vì Lương y đã không còn như từ mẫu, hay dù lương y có là từ mẫu thì lũ con bất hiếu nó sẽ vẫn cứ đánh bất chấp tất cả?

Vì sao trong thế kỷ 21 lại xảy ra những câu chuyện như trên. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là trong cuộc sống giờ đây đã mất đi sự tôn trọng nhau. Trẻ con đi học ở trường chỉ được học về trí: là phải khôn hơn người khác để tồn tại. Về “lễ” chúng chỉ được dạy rằng tao hơn tuổi mày, tao sẽ gọi mày là chú xưng anh, mày phải gọi tao là anh xưng em. Quan trọng hơn lễ còn là sự tôn trọng nhau nữa.

Tôi chả được đi du học nước ngoài, nhưng tôi cho rằng người Tây người ta phản biện nhưng văn hóa phản biện của người ta là có sự tôn trọng nhau. Chúng ta học theo Tây nhưng mà phản biện thì chắc là không. Mạnh ai nấy cãi, mạnh ai nấy chửi, cho rằng đó là phản biện. Và khi phản biện bằng mồm không được thì dùng tới chân tay.

Tôi đọc ở đâu đó một bài viết nói rằng, nếu như chúng ta sống trong một thế giới mà ai cũng có thể sở hữu súng một cách tự do. Không rõ mọi người sẽ thế nào, nhưng riêng tôi thì tôi sẽ tôn trọng mọi người lắm, tôi sẽ tôn trọng từ những người lao động phổ thông, những em bé đánh giầy, những chị phục vụ trong hàng ăn – những nghề được cho là không cao quý tới các cô giáo, bác sỹ, các vị giáo sư – những nghề được cho là cao quý…

Vì đơn giản là lúc đó tôi và mọi người đều có cơ hội như nhau – tức là cùng có thể sử dụng súng bắn vào đối thủ – khi cảm thấy mình không được tôn trọng. Và cơ hội để chiến thắng khi cả hai đều có súng là không có. Nên chắc là sẽ không có chuyện “Bầu thì bầu tao đánh cho mày chết luôn” hay “con đánh mẹ” như thế.

Năm 1946, khi sang Pháp, một đất nước nổi tiếng với tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái và tôn trọng quyền con người nhưng có một giới cầm quyền hung hăng muốn cướp nước ta một lần nữa, Bác Hồ đã lấy bàn tay che vào khẩu đại bác ở khu di tích lịch sử Normandy như muốn nói rằng, dân tộc Việt Nam không muốn chiến tranh nữa. Chúng ta muốn hòa bình, độc lập và tự do. Thực dân Pháp đã không tôn trọng chúng ta. Và chúng ta đã cầm súng. Những tên lính Pháp cao hơn 1m9 cầm súng đấu với những chiến sỹ chỉ cao hơn 1m50 cũng cầm súng. Điện Biên Phủ có kết quả như thế nào, ai cũng rõ. Toàn nước Pháp đã để tang cho thất bại ấy…

Nước Pháp - một siêu cường đã phải trả giá cho việc không tôn trọng một dân tộc nhỏ, yếu.

Và chỉ cần tôn trọng những người nhỏ yếu một chút thôi, những người phụ nữ đã từng bụng mang dạ chửa sẽ thông cảm cho nhau, những bệnh nhân sẽ thông cảm cho bác sỹ vất vả, làm việc cả ngày, những y tá sẽ thay băng nhẹ nhàng cho các cụ già, các cô giáo sẽ lau mồ hôi gáy cho trẻ mầm non khi chúng ngủ say… Và chúng ta sẽ không bao giờ phải cầm súng…