Bắt quả tang chồng ngoại tình... lợi thế giành quyền nuôi con?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau những vụ “đánh ghen” ầm ĩ trên mạng xã hội thời gian qua, có không ít cặp vợ chồng đã “đường ai nấy đi”. Sau những vụ chia tay này, điều được nhiều người quan tâm là khi ly hôn do vợ hoặc chồng ngoại tình, quyền nuôi con sẽ được giải quyết ra sao?

Theo quy định hiện hành, có hai hình thức ly hôn cho các cặp vợ chồng: Ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình. Trong đó, ly hôn thuận tình là việc hai vợ chồng đã thỏa thuận được về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân và những vấn đề khác liên quan đến quan hệ hôn nhân đó như tài sản, quyền nuôi con, chăm sóc con cái…

Ly hôn đơn phương là việc một trong hai bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Việc giành quyền nuôi con hầu như chỉ xảy ra trong những vụ ly hôn đơn phương.

Điều 81 - Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nêu rõ, cha mẹ phải thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con, hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền nuôi con trong 3 trường hợp: Con chưa thành niên; Con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự; Con đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi bản thân.

Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được việc nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định giao quyền trực tiếp nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng. Khi xem xét ai là người sẽ trực tiếp nuôi con sau ly hôn, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố với mục đích tìm được người phù hợp để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng và đáp ứng một cách tốt nhất cho sự phát triển của đứa trẻ. Trên thực tế, Tòa án sẽ dựa trên các yếu tố: Nguyện vọng của con, điều kiện về vật chất; điều kiện về tinh thần.

Khi vợ hoặc chồng ngoại tình, theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu có một trong các hành vi: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác…

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người có hành vi công khai ngoại tình có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng”, theo Điều 182 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù.

Việc vợ hoặc chồng ngoại tình có thể coi là căn cứ của việc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân không thể tiếp tục duy trì. Nếu có bằng chứng cho thấy vợ hoặc chồng ngoại tình thì đây có thể là căn cứ để Tòa án xem xét việc không giao con cho người này nuôi dưỡng, chăm sóc sau khi ly hôn.

Bởi vậy, khi vợ hoặc chồng ngoại tình, để giành quyền nuôi con, người kia phải nộp cho Tòa án hồ sơ bao gồm: Đơn xin giành quyền nuôi con; Bằng chứng, chứng cứ về việc vợ/chồng ngoại tình (thư, tin nhắn, hình ảnh, ghi âm, clip, vật chứng, lời khai, biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ…); Tài liệu, chứng cứ chứng minh bản thân có đầy đủ điều kiện về kinh tế, tinh thần để nuôi con.

Tòa án sẽ căn cứ vào những giấy tờ, bằng chứng và điều kiện thực tế của hai bên để quyết định giao con cho người nào.