Bất ngờ với hiểu biết của học sinh tiểu học về xâm hại trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phụ huynh và giáo viên đều khá bất ngờ khi học sinh lứa tuổi tiểu học ở Hà Nội đã có những hiểu biết tương đối đầy đủ về vấn đề nổi cộm gần đây là nạn bạo lực và xâm hại trẻ em.
Học sinh trường tiểu học Nghĩa Dũng, Ba Đình được hướng dẫn hành động tự bảo vệ bản thân trước hành vi xâm hại tình dục trẻ em
Học sinh trường tiểu học Nghĩa Dũng, Ba Đình được hướng dẫn hành động tự bảo vệ bản thân trước hành vi xâm hại tình dục trẻ em

Ngày 16-5, trả lời câu hỏi của chuyên gia tư vấn về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh trường tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình đã gây bất ngờ với khách mời khi đưa ra khái niệm khá đầy đủ về trẻ em theo Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em cũng như những vấn đề thời sự, cách phòng, chống... liên quan đến tình trạng xâm hại trẻ em.

Mặc dù đề cập đến vấn đề mà chính người lớn nhiều khi vẫn còn e ngại nhưng học sinh trường tiểu học Nghĩa Dũng tỏ ra tự tin khi chủ động giơ tay trả lời những câu hỏi được chuyên gia đặt ra như thế nào là xâm hại tình dục; vì sao trẻ em lại là đối tượng dễ bị xâm hại, có những hình thức xâm hại gì, những ai có thể là thủ phạm thực hiện hành vi xâm hại...

Các em lần lượt trả lời khá chính xác như xâm hại trẻ em bao gồm các hành vi như ép buộc xem phim quan hệ nam nữ, đụng chạm vào những vùng nhạy cảm, nói những lời tán tỉnh thô tục...

Theo các em, thủ phạm xâm hại trẻ em có thể bao gồm cả những người thân quen như họ hàng, chú bác, thậm chí là bố mẹ... Khẳng định các em đã trả lời khá chính xác câu hỏi đặt, chuyên gia Trần Thị Ánh Tuyết, Giảng viên Trung tâm phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ em và phụ nữ thuộc Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam nhấn mạnh việc cần phân biệt đâu là hành vi xâm hại, đâu là những hành vi thể hiện sự quan tâm, yêu thương, cũng như cách thức tự bảo vệ, phản ứng khi gặp phải những tình huống xấu.

Theo bà Trần Thị Ánh Tuyết, trong số thủ phạm xâm hại trẻ em, có tới 97% là người quen, họ hàng, thậm chí là người trong gia đình. Đáng lưu ý là không chỉ những người có văn hóa thấp, lao động phổ thông mới gây ra những hành vi xâm hại trẻ em. Ai cũng có thể là đối tượng xâm hại nhưng chỉ những người có hành vi đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm, gây cảm giác bất an, khó chịu với các em mới được coi là xâm hại.

"Tuy nhiên các em cần phải phân biệt và cảm nhận rõ sự khác nhau giữa hành vi đáng lên án đó với những cử chỉ quan tâm, yêu thương của người thân" - bà Trần Thị Ánh Tuyết phân tích. Hướng dẫn về cách phản ứng cần thiết, chuyên gia này khuyên học sinh cần có những cách phản ứng dứt khoát, tạo khoảng cách an toàn, tỏ rõ thái độ khi nhận thức được đây là những hành vi gây xúc phạm, tổn thương, đem tới cảm giác khó chịu...

Để học sinh phân biệt vấn đề này, các tình huống giả định đã được đặt ra giúp các em hình dung rõ hơn. Các em học sinh đã trực tiếp lên sân khấu và được hướng dẫn những cách có thể bảo vệ bản thân trong tình huống xấu.

"Việc đầu tiên là cần đẩy ngay đối tượng xâm hại và nói không với hành động đó. Nếu đối tượng tiếp tục có hành vi xấu thì các em cần phản ứng ngay lập tức với các hành động phản vệ như cắn, cào cấu, giật tóc, giãy dụa, đá, đạp vào bộ phận sinh dục của đối tượng, bỏ chạy, kêu to gọi sự hỗ trợ của những người xung quanh…" - chuyên gia Trần Thị Ánh Tuyết hướng dẫn.

Bên cạnh đó, bà Tuyết cho biết, học sinh cần lên tiếng, chia sẻ với những người quen biết, tin cậy hoặc gọi với đường dây tư vấn để có biện pháp kịp thời tự bảo vệ bản thân mình hoặc bạn bè, người thân.

Được biết, chương trình truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em của thầy trò trường tiểu học Nghĩa Dũng là chương trình điểm và sẽ được triển khai sớm nhất tới các trường trên địa bàn quận Ba Đình.

Ông Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, quận Ba Đình cho biết, nhằm cung cấp, trang bị cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng để nhận diện về bạo lực, xâm hại trẻ em như khái niệm bạo lực, xâm hại, các hình thức xâm hại trẻ em, các kỹ năng nhận diện và ứng phó với các tình huống trong thực tế, đặc biệt là kiến thức về bạo lực học đường, xâm hại tình dục Phòng đã tiến hành tổ chức điểm truyền thông về đề tài này tại trường tiểu học Nghĩa Dũng.

Mục tiêu của kế hoạch lần này còn nhằm phối hợp hiệu quả 3 liên kết: gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chủ động tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em cũng như việc xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng.

Ông Phạm Thanh Hà thông tin, theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, từ tháng 9/2019 đến tháng 6/2021, cả nước ta có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại. Gần đây nhất, các vụ việc trẻ em bị bạo hành gây hậu quả nghiêm trọng khiến dư luận hết sức phẫn nộ như trường hợp về gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong hay vụ bé gái 3 tuổi bị cha dượng bắn đinh ghim vào đầu.

Việc phát hiện, can thiệp và trợ giúp kịp thời những vụ việc xâm hại trẻ em là rất cần thiết, đòi hỏi nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của bản thân, gia đình, cộng đồng thông qua những đợt tuyên truyền, kiểm tra, rà soát...