Bất ngờ tạm dừng phiên xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

ANTD.VN - Sáng 28-1, phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và đồng phạm tham ô tài sản, xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) bất ngờ tạm dừng ngay sau khi HĐXX trở lại làm việc. 

Theo đó, như thông báo vào cuối ngày 26-1, sáng nay, phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sẽ chuyển sang phần đối đáp của VKSND TP Hà Nội (VKS) trước những quan điểm bào chữa của các luật sư cho các bị cáo. Tuy nhiên, thay vì đưa ra quan điểm đối đáp, đại diện VKS lại nhận định thêm về vấn đề dân sự trong vụ án.

Cụ thể, theo đại diện VKS, tại bản luận tội, căn cứ khoản 3, Điều 47 – BLHS 2015, VKS đã đề nghị HĐXX cần phải thu hồi, xung công quỹ nhà nước số tiền 19 tỉ đồng mà bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà), Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt và sau đó chuyển trả cho bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vietsan).

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa 

Nhưng số tiền 19 tỷ đồng nêu trên lại được bị cáo Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty 1-5 và Công ty Minh Ngân) chuyển thành tiền thanh toán cổ phần giữa Công ty Vietsan với Công ty Minh Ngân. Trong khi đó, tại phiên tòa, đại diện Công ty Vietsan cho rằng, sau khi CQĐT khởi tố vụ án tại Công ty 1-5 thì hợp đồng giữa Công ty Vietsan và Công ty Minh Ngân trong việc chuyển nhượng 6 triệu cổ phần đã bị hủy bỏ.

Vì thế, Công ty Vietsan sau đó đã chuyển trả lại Công ty Minh Ngân số tiền 93 tỷ đồng, trong đó có 19 tỷ đồng mà bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt trả lại. "VKS nhận thấy cần phải xác minh nội dung mà đại diện Công ty Vietsan nêu ra để đảm bảo việc xét xử khách quan, toàn diện” – đại diện VKS lập luận.

Từ những tình tiết và lập luận nêu trên, đại diện VKS viện dẫn quy định tại Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015 và đề nghị HĐXX cần tạm dừng phiên tòa để xác minh, làm rõ số tiền 19 tỉ đồng mà bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng đã chiếm đoạt, rồi trả lại Thái Kiều Hương.

Trước đề nghị khá bất ngờ nêu trên của đại diện cơ quan truy tố, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tiến hành hội ý, rồi tuyên bố “Đề nghị của đại diện VKS là có căn cứ nên cần tạm dừng phiên tòa trong 4 ngày và phiên xử sẽ tiếp tục vào sáng 2-2-2018”.

Trước đó, bào chữa cho bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vietsan), luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng các cơ quan tố tụng không thực hiện đầy đủ yêu cầu của bản án số 134 (bản án phúc thẩm xét xử Lê Hòa Bình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản – PV).

Luật sư Nguyễn Đình Hưng, người bào chữa cho bị cáo Thái Kiều Hương

Theo luật sư Nguyễn Đình Hưng, bản án đó có những nhận định rất quan trọng về giá trị tài sản của PVP Land trong Công ty Xuyên Thái Bình Dương là bao nhiêu. Đây là căn cứ rất quan trọng để xác định có hay không việc mất tài sản và tài sản bị mất là của ai.

Luật sư Hưng cho rằng hậu quả vụ án hiện nay khiến luật sư không khỏi thắc mắc. Bởi VKS đang kết luận các bị cáo tham ô tài sản nhưng tài sản này theo pháp luật là thuộc quyền sở hữu của ai? Vì thực tế người chi 49 tỷ đồng là Công ty Minh Ngân. “Hậu quả vụ án xác định sai thì sẽ rất khó xác định tội danh” – luật Hưng nhìn nhận.

Đánh giá về thái độ của thân chủ, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng VKS kết luận bị cáo Hương không thành khẩn là không hợp lý. Vì suốt quá trình điều tra, bị cáo  Hương luôn khai được nhờ chuyển hộ 14 tỷ đồng cho bị cáo Thanh.

Ngoài ra, theo luật sư bào chữa cho Thái Kiều Hương, đặc điểm của vụ án này là đã quá lâu, lời khai không thể chuẩn mực được nên cần chấp nhận sự “xê dịch” nhất định. Và do đó, quá trình giải quyết vụ án cần lấy cái chuẩn mực chính là các chứng cứ vật chất.

Về phía luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng cũng như các bị cáo khác trong vụ án, phần lớn luật sư đều cho rằng thân chủ của họ không phạm tội “Tham ô tài sản” như nội dung cáo trạng truy tố. Có chăng thì chỉ phạm vào một tội danh khác.