Bất lực trước tin tặc

ANTĐ - R. Vickers, người đứng đầu cơ quan ứng phó với tình trạng khẩn cấp máy tính của Mỹ, đã từ chức sau khi xảy ra một số vụ tấn công nghiêm trọng nhằm vào các hệ thống máy tính của chính phủ.
Theo một bức thư điện tử của quyền Trợ lý Bộ trưởng An ninh Nội địa phụ trách an ninh mạng và truyền thông R. Stempfley, ông R. Vickers đã từ chức hôm 22-7. Bức thư này không tiết lộ bất cứ lý do nào cho quyết định từ chức nhưng ai cũng hiểu sự ra đi này xuất phát sau khi tin tặc thực hiện một số cuộc tấn công ào ạt nhằm vào Lầu Năm Góc và các trang web của Cục tình báo trung ương (CIA) cũng như Thượng viện Mỹ. Có thể nói giờ đây, không lĩnh vực nào của nước Mỹ, bất kể được bảo vệ cẩn mật đến đâu đi nữa, mà thoát được sự “nhòm ngó” của tin tặc. Tháng 3 vừa rồi, các máy chủ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng để điều khiển tàu vũ trụ bị tấn công. Hai tháng sau, đến lượt mạng lưới an ninh của tập đoàn Lockheed Martin bị xâm nhập, khiến nhiều dữ liệu nhạy cảm về các hệ thống vũ khí tương lai bị tiết lộ. Nạn nhân tiếp theo là Lầu Năm Góc, CIA…
Bất lực trước tin tặc ảnh 1
Tin tặc tấn công vào cả cơ quan đầu não của an ninh Mỹ

Những “đòn” mà tin tặc tung ra đau đến mức Mỹ đe dọa dùng sức mạnh quân sự để đáp trả một cuộc tấn công mạng nhằm vào nước Mỹ. Trong khi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đánh giá tấn công mạng là nguy cơ lớn nhất đối với nước Mỹ sau chiến tranh hạt nhân và vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD), thì Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một chiến lược mới nhằm bảo vệ chính phủ, quân đội và các hãng tư nhân Mỹ trước các cuộc tấn công mạng, trong đó xác định rõ không gian mạng là một lĩnh vực có tầm quan trọng ngang hàng với các chiến dịch hải, lục, không quân và vũ trụ của Mỹ. Trên thực tế, ngay từ năm ngoái, Mỹ và hàng chục quốc gia đã tiến hành diễn tập đánh giá khả năng phản ứng của nước này trên mạng Internet. Cuộc diễn tập mang tên “Bão Mạng III” mô phỏng một cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng then chốt trên khắp nước Mỹ. Mục đích của cuộc diễn tập là nhằm đánh giá cũng như tăng cường khả năng phản ứng mạng và phối hợp, với sự tham gia của hàng nghìn người thuộc 7 bộ ngành và 11 bang của Mỹ cùng 60 công ty tư nhân và 12 đối tác quốc tế. Tuy nhiên, đối phó với tin tặc không phải dễ. Trước hết, truy tìm tung tích tin tặc rất khó khăn vì nơi ẩn náu của các đối tượng này luôn thay đổi, lại nằm rải rác khắp nơi trên thế giới. Thêm vào đó, dù phát hiện ra đầu mối thì việc truy bắt cũng không dễ dàng. Chủ trương của Bộ Quốc phòng Mỹ trả đũa quân sự khi bị tấn công mạng từ một quốc gia khác lại có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh. Không loại trừ nguy cơ tin tặc có thể bị lợi dụng để tạo cớ can thiệp quân sự vào một nước có chủ quyền. Trong khi các tranh cãi trên còn chưa ngã ngũ thì tin tặc vẫn hoành hành và sẵn sàng thách thức Mỹ. Ngày 25-7, hai nhóm tin tặc quốc tế LulzSec và Anonymous cho biết chúng vừa đột nhập trang web của cảnh sát mạng Italia để lấy cắp dữ liệu sau đó đã tung lên Internet nhiều thông tin mật nhằm trả đũa việc một số thành viên của hai nhóm này bị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ hôm 19-7 vừa qua. Xem ra, Mỹ vẫn bất lực và bế tắc trước nạn tin tặc. Chắc chắn ông R. Vickers sẽ không phải là nạn nhân cuối cùng của vấn nạn này.