Bất hợp lý giá gas

ANTĐ -Tình hình giá gas trong nước tăng “sốc” vừa qua, Bộ Tài chính đang tiến hành kiểm tra giá gas trên toàn quốc. Sau khi thu được kết quả đợt kiểm tra này, lực lượng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sẽ vào cuộc.

Đại lý bán lẻ có quyết định giá bán? (ảnh minh họa)

Sẽ kiểm tra mặt hàng gas

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo định kỳ tháng 1-2012 diễn ra chiều 6-2-2012, Vụ trưởng Vụ Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), ông Võ Văn Quyền thừa nhận, việc tăng giá gas thêm 74.000 đồng/bình 12kg trong vòng hơn 1 tháng qua là “rất đáng chú ý”. Ông Quyền cho biết, gas thuộc danh mục hàng bình ổn giá của Nhà nước và giá gas được vận hành theo giá thị trường.

Theo đó, doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm kê khai và đăng ký giá với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và các Sở Tài chính địa phương. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra giá khi phát hiện có điều bất hợp lý. “Việc kiểm tra này được tiến hành thường xuyên”- ông Quyền nói.

Bộ Công Thương cho biết nội dung kiểm tra bao gồm: các doanh nghiệp có đăng ký giá bán gas không, bán gas có đúng theo giá niêm yết không, kiểm tra điều kiện san chiết nạp gas, giấy phép kinh doanh gas. Tuy nhiên, điều người tiêu dùng mong đợi là kết luận của cơ quan Nhà nước xem mức giá bán doanh nghiệp công bố hợp lý không?

Cũng theo ông Quyền, khác với mặt hàng xăng dầu, đại lý chỉ được phân phối sản phẩm của một doanh nghiệp đầu mối thì đại lý gas được phép kinh doanh gas của 3 doanh nghiệp. Phía cơ quan quản lý cho rằng điều này làm tăng tính cạnh tranh của thị trường gas, từ đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép phân phối sản phẩm của 3 doanh nghiệp có thể khiến nhà phân phối “ép” đầu mối tăng hoa hồng, thu lợi nhuận cao. Các doanh nghiệp muốn giữ thị phần phải chấp nhận yêu cầu này nên người tiêu dùng không những không được hưởng lợi, mà còn chịu thiệt thòi. Điều này được minh chứng khi giá bán lẻ gas trên thị trường của cùng một hãng có khi chênh nhau đến 40.000 đồng/bình 12kg.

Trao đổi với PV ANTĐ, đại diện một doanh nghiệp đầu mối gas cho biết, giá bán lẻ gas tới tay người tiêu dùng do đầu mối công bố, doanh nghiệp không được phép tự ý tăng giá. Nếu đại lý vi phạm và bị phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng vấn đề đặt ra là người tiêu dùng lâu nay chưa có thông tin công khai về đại lý bán lẻ gas nào vi phạm quy định trên, có thể hiểu là doanh nghiệp đầu mối chưa kiểm soát hết đại lý bán lẻ của mình!

Theo đại diện Bộ Công Thương, “đầu mối quản lý mặt hàng gas là Bộ Tài chính. Thắc mắc về giá gas của người dân sẽ được chuyển sang Bộ Tài chính. Bộ Công Thương quản lý về hệ thống phân phối...”!

Biến động giá 20% mới bình ổn

Theo Thông tư số 104/2008/TT-BTC, với mặt hàng khí hóa lỏng, việc bình ổn giá được thực hiện khi trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ mặt hàng này trên thị trường tăng bình quân từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động. Theo các chuyên gia kinh tế, mức biến động 20% là quá nhiều bởi với nhiều mặt hàng, doanh nghiệp có quyền điều chỉnh giá từ 5% trở lên. Giá biến động từ 20% trở lên với những mặt hàng này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được phép điều chỉnh giá bán tối thiểu 4 lần liên tiếp. Giá bán mới sau 4 lần điều chỉnh sẽ tăng mạnh.

Với mặt hàng gas, từ đầu năm 2012, giá đã tăng thêm 74.000 đồng/bình 12 kg sau 3 lần doanh nghiệp điều chỉnh. Tổng cộng giá bán mới áp dụng từ đầu năm đã tăng thêm 20% so với giá bán lẻ được áp dụng từ cuối năm 2011. Nhưng với lần điều chỉnh gần nhất thêm 42.000 đồng/bình 12kg, chưa đủ 20% so với giá bán lẻ trước đó để được bình ổn dù mức tăng này đã tác động mạnh đến chi tiêu của người dân. Là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên rõ ràng, giá gas cần được các cơ quan quản lý lưu tâm hơn, nhằm đem lại giá bán hợp lý cho người tiêu dùng.