Bắt đầu “mùa ngộ độc”

(ANTĐ) - Mùa hè thường là mùa có số bệnh nhân ngộ độc phải nhập viện điều trị cao nhất trong năm. Các dạng ngộ độc trong mùa hè cũng rất đa dạng, thường liên quan đến thời tiết nóng nắng, trong đó ngộ độc thực phẩm tăng nhiều nhất.

Bắt đầu “mùa ngộ độc”

(ANTĐ) - Mùa hè thường là mùa có số bệnh nhân ngộ độc phải nhập viện điều trị cao nhất trong năm. Các dạng ngộ độc trong mùa hè cũng rất đa dạng, thường liên quan đến thời tiết nóng nắng, trong đó ngộ độc thực phẩm tăng nhiều nhất.

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nặng

Tại thời điểm này, ở Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai - cơ sở điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc lớn nhất miền Bắc - cả 30 giường bệnh đều đã chật kín bệnh nhân. Số bệnh nhân bị ngộ độc nằm điều trị tại đây khá đa dạng, có những người bị ngộ độc do rắn rết, côn trùng độc cắn, có những người bị ngộ độc khí cacbon monoxit do chạy máy phát điện trong nhà, cũng có cả những người bị ngộ độc do tự tử không thành... Tuy nhiên, phổ biến hơn cả vẫn là những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải những thức ăn, đồ uống ô nhiễm, không đảm bảo VS ATTP.

Bệnh nhân bị ngộ độc
Bệnh nhân bị ngộ độc

Hiện tại, ở Trung tâm Chống độc vẫn còn 1 bệnh nhân trong số những bệnh nhân của vụ ngộ độc thực phẩm lớn ở Hà Tây vẫn đang nằm điều trị. Hầu hết các bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm này được điều trị tại cơ sở y tế địa phương, chỉ có một vài bệnh nhân nặng mới lên điều trị tại Trung tâm Chống độc.

Đặc biệt hơn là còn có cả bệnh nhân bị ngộ độc do uống nhầm nước. Nhiều gia đình sử dụng các vỏ chai lọ đựng nước, rồi lại đựng các hóa chất, chất lỏng khác nên dẫn đến hiện tượng uống nhầm... Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc Bạch Mai cho biết, kể từ hơn 1 tháng trở lại đây, số bệnh nhân bị ngộ độc tăng đột biến, hầu hết đều có các triệu chứng ngộ độc liên quan đến ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy, sốt... nhưng do đây cũng là thời gian có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm bùng phát mạnh nên các bệnh nhân đó đều được giới thiệu sang Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, BV Bạch Mai điều trị.

Cũng theo một số bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, vào mùa hè số bệnh nhân bị ngộ độc bao giờ cũng tăng vọt. Riêng ngộ độc thực phẩm thường tăng cao nhất vào thời gian đầu hè (khoảng 30-40%), nhất là trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cảnh giác với thực phẩm không đảm bảo

Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến ngộ độc nói chung, ngộ độc thực phẩm nói riêng gia tăng mạnh trong mùa hè vì đây là thời điểm mà các loại vi sinh vật phát triển mạnh, làm ô nhiễm thức ăn, gây ra ngộ độc. Mặt khác, vào mùa hè cũng thường có các vụ ngộ độc do uống nước giải khát, uống bia không đảm bảo chất lượng, thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh...

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vừa qua, trong số 163 mẫu thực phẩm được lấy để xét nghiệm từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, chỉ có 65,6% mẫu đạt chất lượng, 34,4% số mẫu thực phẩm còn lại không đảm bảo các yếu tố về vi sinh vật, hóa lý và chất phụ gia. Những thực phẩm không đảm bảo như vậy gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và đó cũng là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, trong hơn 1 tháng trở lại đây, ở Hà Nội vẫn có những vụ ngộ độc thực phẩm nhưng đều là những vụ ngộ độc nhỏ.

Ngoài các nguồn thực phẩm không đảm bảo thì vấn đề bảo quản thức ăn, thức uống trong mùa hè để tránh ôi thiu, ô nhiễm cũng là một việc làm rất cần thiết để tránh ngộ độc thực phẩm. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, thức ăn, thức uống trong mùa hè cần phải để nơi thoáng mát, tránh ôi thiu, tránh ruồi muỗi đậu vào.

Không dùng các đồ chứa đựng thực phẩm để chứa các hóa chất khác, nhất là phải chú ý để thực phẩm và các hóa chất cách xa nhau, để tránh nhầm lẫn khi dùng... Mặt khác, cần phải chú ý thực hiện các biện pháp mà Bộ Y tế đã khuyến cáo như ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng... Hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm đều có thể tránh được nếu chúng ta biết cách bảo quản và sử dụng thực phẩm hợp vệ sinh.

Tiến Hưng