Bắt cướp vô tình gây án mạng, bị tội gì không?

ANTD.VN - Chị Nguyễn Tuyết N (SN 1986) trên đường đi làm về thì bị một đối tượng đi xe máy giật chiếc túi xách trong đó có điện thoại iPhone và số tiền 10 triệu đồng. Mặc dù bị bất ngờ nhưng chị N vẫn kịp truy hô mọi người xung quanh. Lúc này anh Vũ Quang A (SN 1992) đang đi xe máy trên đường, nghe tiếng tri hô của chị N. Phát hiện đối tượng cướp tài sản của chị N đang phóng xe vượt qua liền tăng ga đuổi theo. Khi đuổi kịp đối tượng, anh Vũ Quang A liền đạp vào phía sau xe máy khiến đối tượng bị ngã xuống đường, đập đầu vào con lươn. Chiếc túi xách mà đối tượng cướp của chị N đã được thu hồi. Tên cướp sau đó được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do bị chấn thương sọ não nên đối tượng đã tử vong sau đó. Vấn đề đặt ra là trong trường hợp này, anh Vũ Quang A có phạm tội không, nếu có thì phạm tội gì?

Bắt cướp vô tình gây án mạng, bị tội gì không? ảnh 1(Ảnh minh họa)

Ý kiến bạn đọc

Hành động phòng vệ chính đáng

Việc anh Vũ Quang A phát hiện ra tên cướp sau đó đuổi theo là một hành động chính nghĩa thể hiện sự dũng cảm của anh A. Trong quá trình anh A đuổi theo tên cướp, đối tượng này rất có thể sẽ có những hành vi chống trả quyết liệt. Sự chống trả này dù là lúc đang đi xe máy trên đường hay dừng lại chắc chắn đều gây ra nguy hiểm đối với anh A. Do đó theo tôi, hành động dùng chân đạp vào xe máy của đối tượng cướp giật là hành động phòng vệ chính đáng của anh Vũ Quang A. Theo điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Do đó, theo tôi trong vụ việc này anh Vũ Quang A không phạm tội.

Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Biên Hòa - Đồng Nai)

Vô ý làm chết người

Trong vụ việc này, theo tôi anh Vũ Quốc A đã phạm tội Vô ý làm chết người theo Điều 128, Bộ luật Hình sự 2015. Theo quy định của pháp luật, vô ý làm chết người là trường hợp phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Căn cứ theo nội dung vụ việc có thể thấy khi anh A đuổi theo và đạp vào xe máy của đối tượng cướp, bản thân anh A phải nhận thức được rằng hành vi của mình có thể sẽ gây ra hậu quả chết người bởi khi đó cả 2 xe đều đang chạy với tốc độ cao. Tuy nhiên vì quyết tâm muốn lấy lại túi xách cho chị Nguyễn Tuyết N nên anh A vẫn bất chấp để đạp ngã xe máy của đối tượng. Do vậy, hành vi của anh Vũ Quốc A trong vụ việc này đã đủ cơ sở để cấu thành tội Vô ý làm chết người. 

Bùi Quang Thắng (Thạch Thất - Hà Nội)

Cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người

Theo tôi, hành vi đạp vào xe máy của đối tượng cướp giật tài sản của anh Vũ Quốc A khiến cho đối tượng này bị đập đầu vào vỉa hè, chấn thương sọ não sau đó tử vong trong bệnh viện đã phạm vào tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Có thể thấy việc anh A đạp vào xe máy của tên cướp thể hiện mong muốn làm cho đối tượng mất khả năng kháng cự để nhằm mục đích là lấy lại chiếc túi xách cho chị Nguyễn Tuyết N. Đây là một hành vi nguy hiểm, có tính chất cố ý và có thể gây tổn hại đến sức khỏe của người khác. Thực tế hậu quả là đối tượng sau khi bị anh A đạp đã ngã đập đầu vào con lươn dẫn đến chấn thương sọ não. Mặc dù cái chết của đối tượng có thể nằm ngoài mong muốn của anh A, tuy nhiên hành vi của anh A đã đủ cơ sở để cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Đinh Thị Hà (Bình Liêu - Quảng Ninh)

Bình luận của luật sư

Có thể thấy, trong vụ việc này hành vi đạp ngã xe đối tượng vừa cướp giật tài sản và đang chạy trốn của anh Vũ Quốc A ở trong hoàn cảnh ngăn chặn việc trốn chạy của nạn nhân và hành vi đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân trong trường hợp này. Hậu quả chết người trong vụ việc là rất lớn, thể hiện tổn thất tính mạng con người và mất mát rất nhiều cho gia đình nạn nhân. Theo chúng tôi để xác định hành vi phạm tội của anh A cần phải căn cứ vào những dấu hiệu cấu thành tội phạm trong các tội xâm phạm đến tính mạng con người được quy định trong các điều tại chương XIV Bộ luật Hình sự 2015. Vì vậy cần phải đối chiếu dấu hiệu của hành vi nói trên đối với các hành vi khác trong các điều luật có nội dung liên quan đến hành vi giết người hay làm chết người khác để có thể nhìn nhận rõ hơn vấn đề dưới góc độ pháp lý.

Thứ nhất, hành vi đuổi theo và đạp ngã xe một người vừa cướp giật tài sản, đang chạy thoát để lấy lại tài sản cho người bị hại thể hiện tinh thần ngăn chặn việc trốn chạy của đối tượng, giúp người bị hại lấy lại tài sản bị cướp. Đây không phải là hành vi nhằm tước đoạt tính mạng của người khác, ý thức của người thực hiện hành vi chỉ muốn ngăn chặn việc trốn chạy của một đối tượng vừa thực hiện hành vi cướp giật tại sản để lấy lại tài sản cho người bị hại. Ở đây không tồn tại ý thức cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân, mà trong ý thức của người thực hiện hành vi chỉ thể hiện hành động có tính nghĩa hiệp, ngăn chặn sự chạy trốn và mong muốn giành lại tài sản bị cướp giật cho người bị hại. Do đó, không đủ dấu hiệu cấu thành tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, việc đạp ngã xe mô tô của người khác ngã xuống đường trong lúc người đó phóng xe với tốc độ nhanh, đường có giải phân cách (con lươn)… thể hiện khả năng rất cao có thể dẫn đến chết người. Anh Vũ Quốc A ý thức điều này nhưng lại đứng trước hoàn cảnh không thể lựa chọn biện pháp khác nên buộc phải đạp ngã xe của đối tượng vừa có hành vi cướp giật tài sản để ngăn chặn việc chạy thoát. Như vậy, anh A ý thức được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng buộc phải lựa chọn việc thực hiện hành vi đó nhằm mục đích đấu tranh chống lại hành vi xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người khác. Hơn nữa, không đủ căn cứ để chứng minh anh Vũ Quốc A “cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được” theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015 nên không thể xác định hành vi của anh A được thực hiện một cách vô ý. Vì vậy, hành vi của anh A không đủ dấu hiệu cấu thành tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.

Thứ ba, anh Vũ Quốc A trong trường hợp này không thuộc chủ thể thực hiện nhiệm vụ công theo nghề nghiệp, do công tác như: công an, bộ đội biên phòng, kiểm lâm, hải quan, bảo vệ cơ quan… Đồng thời, anh A thực hiện hành vi đuổi bắt cướp không phải trên cơ sở nhiệm vụ được giao, cũng không phải trong trường hợp đang cùng với người có nhiệm vụ cùng thực hiện một nhiệm vụ công (Ví dụ: người này tự nguyện cùng với công an đuổi bắt cướp, hoặc được công an đề nghị giúp đỡ việc bắt cướp…). Hiện nay, việc người dân tự ý tham gia đấu tranh chống những hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hoặc lợi ích hợp pháp của công dân như đuổi bắt trộm, cướp, phòng chống tham nhũng… chưa được quy định là hành vi thực hiện nhiệm vụ công. Như vậy, hành vi của anh A không được coi là hành vi thuộc trường hợp đang thi hành công vụ. Thế nên, không phải là dấu hiệu cấu thành “tội làm chết người trong khi thi hành công vụ” theo Điều 127 Bộ luật Hình sự 2015.

Thứ tư, trong trường hợp này hành vi cướp giật tài sản của nạn nhân được thực hiện đối với một người phụ nữ qua đường, không phải cướp giật tài sản của anh Vũ Quốc A hoặc người thân thích của anh A, do đó hành động của anh A không phải là dấu hiệu cấu thành tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều Điều 125 BLHS.

Thứ năm, hành vi cướp giật tài sản của nạn nhân đã hoàn thành, do đó việc đuổi theo đạp ngã xe của nạn nhân trong trường hợp này không mang tính chất “phòng vệ”. Bởi vì, hành vi có tính phòng vệ chỉ đặt ra khi nạn nhân trong trường hợp này đang có hành vi vi phạm pháp luật, nghĩa là hành vi cướp giật đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc. Do vậy, không thể xác định đây là hành vi “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo Điều 22 Bộ luật Hình sự. 

Căn cứ vào nội dung vụ việc, theo chúng tôi hành vi của anh Vũ Quốc A đã vi phạm điều 126 Bộ luật Hình sự quy định về hành vi giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội. Theo đó, giết người trong trường hợp do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là hành vi của người tiến hành bắt giữ người phạm tội đã sử dụng vũ lực rõ ràng là quá mức cần thiết làm cho người bị bắt giữ chết.

Theo quy định của pháp luật, để xem xét hành vi của người tiến hành việc bắt giữ có phải là vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người pham tội hay không cần phải căn cứ vào mối tương quan giữa lực lượng tiến hành việc bắt giữ và người bị bắt giữ; tính chất, mức độ nguy hiểm, cường độ tấn công chống lại việc bắt giữ, vũ khí, phương tiện của hành vi chống trả của người bị bắt giữ… Nếu biện pháp dùng vũ lực là cần thiết, hợp lý thì dù nạn nhân có chết cũng không phạm tội này. Còn nếu hành vi chống trả rõ ràng là quá mức cần thiết so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại, hoàn toàn chưa đến mức phải dùng các phương tiện và phương pháp đã sử dụng để bắt giữ, dẫn đến cái chết cho nạn nhân do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thì người bắt giữ phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Căn cứ theo nội dung vụ việc có thể thấy sau khi thực hiện việc cướp giật điện thoại của chị Nguyễn Tuyết N, đối tượng đã bỏ chạy, khi anh Vũ Quốc A đuổi theo, đối tượng chưa có biểu hiện của việc tấn công, chống trả lại người bắt giữ. Tuy nhiên, anh A đã có hành động đạp ngã xe mô tô của đối tượng trong lúc người này phóng xe với tốc độ nhanh. Đây là hành vi thể hiện sự quá mức cần thiết so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại và hậu quả là đã dẫn đến cái chết cho nạn nhân. Do đó, theo chúng tôi, trong vụ việc này anh Vũ Quốc A phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội theo điều 126 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)