Bất chấp thị trường chứng khoán "bùng nổ", nhiều nhà đầu tư vẫn lỗ nặng, vì sao?

ANTD.VN - Mặc dù nắm giữ những cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu bluechip vốn một thời dẫn dắt thị trường nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn “khóc ròng” vì thị trường liên tục lập đỉnh mới nhưng cổ phiếu của họ vẫn liên tục đi xuống, tài khoản vẫn âm.

"Trái đắng" từ những bluechip

Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19 nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn bứt phá mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn từ cuối năm 2020 đến nay.

VN-Index đã tăng tới 300 điểm chỉ trong vòng 5 tháng, từ mức quanh 1.000 điểm hồi giữa tháng 1 lên trên 1.300 điểm phiên hôm qua. Trong phiên hôm nay, thị trường tiếp tục “bùng nổ” và đạt mức kỷ lục mới 1.316,7 điểm, thanh khoản thị trường cũng tới hơn 25.000 tỷ đồng.

Diễn biến TTCK đã mang lại niềm vui cho phần đông nhà đầu tư, trên các diễn đàn chứng khoán, rất nhiều nhà đầu tư đã khoe lãi “khủng” tới vài ba chục phần trăm chỉ sau thời gian ngắn đầu tư.

Tuy vậy, không ít nhà đầu tư vẫn nếm “trái đắng” vì nắm giữ những cổ phiếu không đúng thời điểm. Đơn cử như cổ phiếu VNM của Vinamilk, vốn là một bluechip đình đám nhưng đã gây thất vọng giới đầu tư khi suốt một thời gian dài gần đây đã giảm sâu.

Cụ thể, sau khi đạt mức đỉnh trên 116.000 đồng/cổ phiếu vào hồi đầu năm, cổ phiếu này đã liên tục đi xuống, có lúc xuống mức thấp nhất chỉ 87.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện cổ phiếu VNM đang giao dịch ở mức 91.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, những nhà đầu tư chót “mua đỉnh” VNM sẽ phải còn rất lâu nữa mới có thể “vào bờ”.

Diễn biến kém tích cực của VNM thời gian qua có thể đến từ lo ngại của giới đầu tư khi thị trường sữa đang dần bão hòa, trong khi áp lực cạnh tranh ngành sữa đang ngày càng lớn, tốc độ tăng trưởng của VNM chững lại, doanh nghiệp này lại đang thiếu những thông tin hỗ trợ. VNM cũng đang là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất TTCK Việt Nam.

Dòng tiền đang rất mạnh nhưng rất nhiều mã cổ phiếu vẫn bị "ghẻ lạnh"

Dòng tiền đang rất mạnh nhưng rất nhiều mã cổ phiếu vẫn bị "ghẻ lạnh"

Một cổ phiếu khác là SAB của Sabeco, cổ phiếu này đã giảm mạnh từ mức giá trên 205.000 đồng hồi đầu năm đến nay chỉ còn 163.000 đồng. Hay BVH của Tập đoàn Bảo Việt cũng giảm từ mức giá 70.000 đồng hồi giữa tháng 1 xuống 55.500 đồng hiện nay.

VJC cũng giảm gần như một mạch từ mức trên 137.000 đồng hồi đầu tháng 3 về 113.000 đồng/cổ phiếu hiện nay…

Bên cạnh đó, nhiều bluechips cũng giảm điểm từ đầu năm như: HVN, VRE, POW, PLX, GAS, SAB, CTD, TDH… Nhiều nhà đầu tư cũng “ngậm đắng” khi nắm giữ những cổ phiếu GIL, VIX, ITA, FLC, ROS… không đúng thời điểm.

Bên cạnh những trường hợp nổi bật kể trên vẫn còn rất nhiều cổ phiếu sụt giảm bất chấp thị trường tăng mạnh từ đầu năm bởi dòng tiền có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng, thép hay nhóm Diamond.

Thị trường bùng nổ nhưng số mã giảm vẫn áp đảo

Lý giải cho việc thị trường tăng nhưng tài khoản nhiều nhà đầu tư vẫn giảm, các chuyên gia cho rằng do dòng tiền đang có sự phân hóa mạnh, chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, thép… Trong khi đó, hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại không được hưởng lợi.

Trong nhiều phiên thị trường tăng điểm nhưng số mã giảm lại áp đảo mã tăng. Đơn cử như phiên hôm nay, tất cả các chỉ số đều tăng nhưng trên HOSE có tới 209 mã giảm, chỉ có 145 mã tăng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên HNX và UPCoM.

“Có nghĩa là có sự phân hóa cực mạnh, dòng tiền vào thị trường lớn nhưng chỉ tập trung một nhóm cổ phiếu thôi. Chúng ta thấy thị trường đi lên, giá trị giao dịch tăng nhưng số lượng cổ phiếu mua có lời lại không lớn, chỉ tập trung ở một số nhóm đối tượng. Chứ không giống như giai đoạn hồi cuối năm ngoái, nhà đầu tư “mua gì thắngđó”, nay đã có nhiều người lỗ rồi” – ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia này, thời điểm này, nếu nhà đầu tư FOMO (đầu tư theo trào lưu) theo những dòng cổ phiếu nóng như ngân hàng, sắt thép sẽ có nguy cơ rủi ro cao, vì những cổ phiếu này đã tăng quá nóng, trong một thời gian dài rồi.

“Nếu nhà đầu tư vẫn muốn mua những cổ phiếu này, tôi nghĩ chỉ nên đầu tư ngắn hạn, cân nhắc thời điểm chốt lời phù hợp” – ông Khánh khuyến nghị.

Tương tự, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cũng khuyến cáo nhà đầu tư không nên quá sốt ruột khi thấy mình đứng ngoài cuộc, sợ lỡ cơ hội mà đổ xô vào những cổ phiếu nóng, nhà đầu tư phải cân đối danh mục để phân bổ rủi ro.

“Nhà đầu tư nếu lướt sóng thì phải xác định rủi ro. Và quan trọng là phải cân đối danh mục của mình, trong tài khoản nên có những mã ổn định, mã tăng trưởng, mã mới nổi và nếu chấp nhận mạo hiểm thì có những mã có thể tạo sóng, kiếm lời; không nên chỉ đầu tư vào các nhóm cổ phiếu tăng nóng thời gian dài” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.