Bất chấp bị “đánh hội đồng”, kinh tế Nga đã vượt qua khó khăn

ANTĐ - Cùng với sự tăng giá của đồng rúp, sự ổn định của giá dầu đã khiến triển vọng của nền kinh tế Nga là rất khả quan.

Ngày 19-5, Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF Min Zhu cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nga đang thực hiện những bước đi phù hợp để ổn định tình hình kinh tế trong nước. Ông đánh giá các động thái của Ngân hàng Nga là chính xác và thận trọng.

"Chúng tôi thấy rằng đồng rúp nói riêng và tổng thể nền kinh tế Nga nói chung đã ổn định lại. Và để hướng tới tương lai, trước tiên Nga cần duy trì những kết quả tốt, đồng thời phải cương quyết thay đổi thể chế và cơ cấu các ngành sản xuất của nền kinh tế - ông Min Zhu nói.

Trong đó, vị Phó giám đốc điều hành IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự linh hoạt của tỷ giá phù hợp với xu hướng thị trường. Góp phần ổn định hơn nữa đồng tiền quốc gia và nền kinh tế, cũng như tạo dự trữ cho sự phát triển kinh tế dài hạn.

Ông Min Zhu cho rằng, nền kinh tế Nga rất cần sự đổi mới, trong đó việc cải cách ngành năng lượng là điều quan trọng nhất. Ông cũng khuyến nghị Moscow chú trọng tới "kinh tế cung ứng" và kiên trì thực hiện đổi mới, đặc biệt nhằm tăng sức cạnh tranh và cải thiện sự điều chỉnh từ phía nhà nước.

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ-EU, nền kinh tế Nga đã dần ổn định

Về vấn đề này, Tạp chí “The Economist” cũng đưa ra những đánh giá rất khả quan về khả năng hồi phục của nền kinh tế Nga. Tạp chí này nhận định, nhiều nhà kinh tế đã nếu ý kiến rằng, tình hình ở Nga sẽ tiếp tục xấu đi, nhưng trên thực tế, triển vọng kinh tế Nga trong tương lai gần là tương đối lạc quan.

"The Economist", trong sáu tháng vừa qua, tỷ giá đồng rúp đã giảm khoảng 30%, tức là giá trị của nó đã tăng bật hơn một phần ba. Cùng với đó, trái phiếu Chính phủ Nga ngày càng tăng giá, kết hợp với việc Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất, dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga vẫn là khá lớn.

Ngoài ra, giá dầu đã ngừng "nhào lộn", và điều đó đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế Nga. Đồng thời, lệnh trừng phạt của Mỹ và EU không gay gắt như trước đây. Cuối tháng 7, các biện pháp trừng phạt chống Nga do EU áp đặt sẽ hết hạn hiệu lực.

Theo tạp chí "The Economist", thuyết phục tất cả 28 quốc gia thành viên EU bỏ phiếu ủng hộ quyết định gia hạn lệnh trừng phạt là một mục tiêu bất khả thi. Mà hiện nay, đã có hàng chục nước lên tiếng phản đối gia hạn lệnh cấm vận kinh tế đối với Moscow.

Hiện cái nhìn của các nhà đầu tư về thị trường Nga đã được cải thiện rất nhiều và đã có chuyên gia kinh tế cho rằng, các nước phương Tây đã đánh giá quá thấp nền kinh tế Nga, vốn có sức sống lớn hơn so với dự kiến của Mỹ và EU.