Bão số 9 áp sát đất liền Bình Thuận-Bến Tre

ANTD.VN -Sau khi tiến sát vào vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận tới Bà Rịa-Vũng Tàu, bão số 9 Usagi bất ngờ di chuyển với tốc độ rất chậm, chỉ 5k/h.  Dự báo, khoảng chiều nay,  25-11, bão số 9 sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh Bình Thuận-Bến Tre.

Bão đổ bộ sóng biển cao 4m

Đến 9h sáng nay, bão số 9 đang áp sát đất liền các tỉnh Vũng Tàu- Bến Tre. Tại Vũng Tàu và Bến Tre đang có mưa lớn.

Do ảnh hưởng của bão số 9, ở Phan Thiết, Vũng Tàu đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho khu vực Trung Bộ (200-300mm).

Hồi 8h ngày 25-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km.

Bão số 9 đang áp sát đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre

Khi áp sát các tỉnh Bình Thuận-Bến Tre, bão số 9 vẫn di chuyển với tốc độ rất chậm, 5-10km/h, và đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10-11; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp. Đến 19 cùng ngày, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).

Khu vực TP. HCM trong ngày và đêm nay, có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.

Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động mạnh. Sóng trên biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão cao 4-5m. Ven biển từ Vũng Tàu tới Cà Mau đề phòng nước biển dâng cao do triều cường kết hợp với nước dâng do bão.

Trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió giật cấp 6-7. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam bộ.

Mưa lớn gây lũ trên hệ thống sông Đông Nam bộ và Tây Nguyên

Đáng nói, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam bộ có mưa to 50-100mm.

Từ đêm nay đến đêm 27-11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).

Từ nay đến 28-11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở  khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.

Đã sơ tán gần 77.000 dân

Trong khi đó, thông tin vừ Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho thấy, tính đến 6h sáng nay, 25-11, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.645 phương tiện/331.617 người, các phương tiện đang neo đậu tại bến và hoạt động trên các vùng biển khác, hiện không còn phương tiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm.

19.977 lồng bè, nuôi trồng thủy sản /6.421 người (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM). Đến 6h ngày 24-11, không còn tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, 9 tỉnh, thành phố ven biển từ Khánh Hòa đến Trà Vinh và tỉnh Bạc Liêu đã ban hành lệnh cấm biển. 

Đến 21h ngày 24-11, 7 tỉnh, thành phố đã thực hiện sơ tán 76.470 người, trong đó: Khánh Hòa 12.339 người; Ninh Thuận 446 người; Bình Thuận 934 người (tại đảo Phú Quý); Bà Rịa - Vũng Tàu 23.287 người (sơ tán tập trung: 11.174 người, sơ tán tại chỗ: 12.113 người,); TP.HCM 4.476 người; Tiền Giang: 10.489 người; Bến Tre: 24.499 người (sơ tán tập trung: 4.184 người, sơ tán tại chỗ: 20.315 người).

Đáng nói, tại một số tỉnh nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão đến 6h sáng nay đã có thiệt hại. Cụ thể,  huyện Tuy Phong, Bình Thuận, gió lớn làm 1 bè/8.000 con cá bị đứt neo trôi ra biển.

Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận sạt lở 3km bờ biển thuộc khu phố 2, 3 phường Hàm Tiến (sâu vào bờ khoảng 5-7m) làm 7 tàu cá (công suất dưới 30CV) bị cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn và 2 nhà dân có nguy cơ sập đổ (đã di dời người dân vào nơi an toàn); sạt lở bờ biển khu phố B, phường Thanh Hải làm 8 nhà bị sập đổ, hư hỏng (đã di dời người dân vào nơi an toàn).