Bão số 16 suy yếu nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan

ANTD.VN - Tới 17h ngày 25/12, bão số 16 (bão Tembin) tiếp tục có xu hướng yếu dần; hoàn lưu bão đang gây mưa cho các tỉnh Nam Bộ. Tại Côn Đảo đã có gió giật mạnh cấp 7.  

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16h ngày 25/12, vị trí tâm bão số 16 (bão Tembin) ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Tây Bắc, khoảng 80km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão.

Bão số 16 yếu dần, gây mưa lớn

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển 15-20km/h, đến 4h ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, ngay trên phía Tây Côn Đảo và vùng biển từ Trà Vinh đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Đường đi của bão số 16 (bão Tembin) lúc 16h ngày 25/12

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h, đến 16h ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 103,4 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau - Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Từ chiều nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12.

Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6, giật cấp 8. Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 3-5 mét.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ tiếp tục có mưa to; từ đêm nay ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Tuyệt đối không được chủ quan

Để ứng phó bão số 16, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Quân khu 7 đã thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Cần Giờ, TP.HCM.

2 sở chỉ huy khác của Quân khu 9 đặt tại Sư đoàn Bộ binh 8 đóng ở tỉnh Tiền Giang và Trường quân sự của Quân khu tại tỉnh Sóc Trăng.

Cùng đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 25/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã tới khu vực dự kiến tâm bão đổ bộ để kiểm tra, đôn đốc ứng phó bão.

Trong sáng 25/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Tại đây, Phó Thủ tướng đã đi ca nô ra khu vực cửa biển để thị sát công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu vào nơi trú ẩn an toàn; đồng thời chỉ đạo, động viên các lực lượng tham gia phòng chống bão...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão số 16 tại Cà Mau

Đến thăm bà con sơ tán tại Trường tiểu học Vĩnh Hải 2, huyện Trần Đề, Phó Thủ tướng đã kiểm tra nơi ăn, chốn ở, công tác bảo đảm nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán. Ông động viên bà con bình tĩnh, yên tâm ở lại nơi sơ tán; không được chủ quan đi ra ngoài trời khi bão đổ bộ…

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng đã tới thị sát công tác ứng phó bão tại tỉnh Bạc Liêu. Kiểm tra công tác ứng phó bão tại Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Phó Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp trước hết phải đảm bảo an toàn cho máy móc thiết bị, vận hành hệ thống... Doanh nghiệp cũng cần nêu cao trách nhiệm hỗ trợ địa phương, giúp đỡ người dân sơ tán khi bão đổ bộ, ổn định đời sống của người dân.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu du lịch Nhà Mát, Bạc Liêu - nơi tập trung rất đông cơ sở du lịch…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, đến 10 giờ ngày 25/12, tỉnh đã sơ tán xong hơn 350.000 dân, tương đương hơn 64.000 hộ. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, hộ dân thực hiện các biện pháp bảo vệ hơn 76.000ha nuôi trồng thủy sản; khoảng 80.000ha lúa, lúa - tôm, hoa màu; bảo vệ các tuyến đê, kè, điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao.

Quyết liệt di dân, học sinh nghỉ học

Rời Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đến kiểm tra công tác ứng phó bão tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Tại Cà Mau, tới trưa 25/12, có 1.487/1.449 phương tiện đánh thuỷ sản của trấn đã vào đã vào bờ, đồng thời có 261 phương tiện ở các tỉnh khác cũng vào Sông Đốc neo đậu (với tổng số trên 10.376 thuyền viên). Hiện vẫn còn 349 phương tiện với 2.476 thuyền viên đang đánh bắt trên vùng biển Sông Đốc chưa vào bờ.

Tàu thuyền neo đậu trật tự tại cửa biển Khánh Hội, Cà Mau (Ảnh: Báo Cà Mau)

Công tác di dời dân cũng hết sức khẩn trương, phần đông người dân đã ý thức tự di dời vào nơi trú bão. Tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, nơi  có số dân sinh sống ven biển trên khoảng 600 hộ, xã đã vận động được 550 hộ, gần 2.000 khẩu đã vận động sơ tán vào tránh trú an toàn, tới chiều 25/12, số hộ dân chằng chống nhà cửa đạt khoảng 80%.

Tính đến 13 giờ ngày 25/12, toàn huyện U Minh có 755/755 phương tiện khai thác thuỷ sản đã vào nơi neo đậu an toàn tại khu neo đậu tàu truyền tránh trú bão cửa biển Khánh Hội. Việc sơ tán dân sáng nay của địa phương diễn ra nhanh và quyết liệt.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên và cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn, nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực Nam Bộ đã cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học 2 ngày 25 và 26/12.

40 năm qua, chưa có cơn bão cuối năm nào mạnh như Tembin

Đánh giá về cơn bão số 16, TS Nguyễn Đăng Quang (ảnh), Trưởng phòng Dự báo số và viễn thám, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nói: “Trong 40 năm trở lại đây chưa khi nào số lượng cơn bão ở biển Đông lại nhiều như năm nay, tới 16 cơn. 

Về cường độ và thời gian xuất hiện của bão, cũng trong 40 năm qua chưa năm nào xuất hiện cơn bão vào những ngày cuối cùng của năm mà có cường độ mạnh như bão Tembin. Số liệu quan trắc của chúng tôi ghi nhận được, khi vào quần đảo Trường Sa, bão đạt sức gió cấp 11, giật cấp 14; tại nhà giàn DK1, gió đạt cấp 13, giật cấp 15. So sánh cường độ bão trên biển Đông, Tembin này còn mạnh hơn cả bão Linda tháng 11/1997 - cơn bão gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Nam Bộ với gần 3.000 người chết và mất tích.

Bão số 16 suy yếu nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan ảnh 4

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Quang, khác so với dự báo ban đầu, bão số 16 đã dịch chuyển dần xuống phía Nam hơn và thời điểm bão ảnh hưởng trực tiếp đất liền cũng sẽ muộn hơn so với nhận định 24 giờ trước. Dự báo mới nhất (chiều 25/12) cho rằng bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Nam Bộ vào đêm 25/12 và sáng 26/12.

Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bão với người dân Nam Bộ, ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng, bão ít khi vào Nam Bộ, nên ký ức về bão và kỹ năng phòng chống của bà con nơi đây cũng đã bị mai một đi ít nhiều. “Do vậy cách phòng chống tốt nhất hiện nay là bên cạnh việc cập nhật bản tin dự báo từ đài báo thì bà con nên thực hiện theo sự chỉ đạo trực tiếp của cán bộ phòng chống thiên tai ở địa phương để giảm thiểu thiệt hại” – ông Nguyễn Đăng Quang khuyên.