Bão số 13 duy trì cường độ giật cấp 15, cách quần đảo Hoàng Sa 400km

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Dự kiến, bão số 13 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong vài ngày tới.

Bão số 13 hiện giật cấp 15 và cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km

Bão số 13 hiện giật cấp 15 và cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, trong ngày hôm qua, bão số 13 tiếp tục giữ nguyên tốc độ và hướng di chuyển theo hướng Tây.

Vào sáng sớm nay, 13/11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.

Trong ngày hôm nay, bão số 13 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến đầu giờ sáng mai, ngày 14/11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và phía Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 4-6m, vùng gần tâm bão 8-10m; biển động dữ dội.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 118,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Theo dự báo xa, trong vài ngày tới, bão số 13 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và đi vào khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.