Bạo lực học đường, xâm hại trẻ em tăng chóng mặt

ANTD.VN - Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, việc giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, kịp thời và thường xuyên nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có nạn bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em chưa được giải quyết triệt để.

 

Bạo lực học đường, xâm hại trẻ em tăng về tính chất nghiêm trọng

Ngày 18-4, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Phát biểu tại hội thảo, bà Lesley Miller - Phó trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) cho biết, có đến 68,4% trẻ em Việt Nam từng bị cha mẹ, người chăm sóc có hành vi đối xử bạo lực tại nhà, xếp thứ 27 trên 75 quốc gia. Gần đây, các vụ xâm hại trẻ rất nghiêm trọng, từ xâm hại tình dục đến bạo lực học đường có xu hướng gia tăng.

Bạo lực, xâm hại sẽ gây tác động xấu đến trẻ em, đặc biệt là sức khỏe tâm thần, kết quả học hành của trẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế, đây là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam để tạo ra kế hoạch, tác động tích cực đến công tác bảo vệ trẻ em.

Thừa nhận việc gia tăng những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với gần 1.700 đối tượng, xâm hại 1.579 trẻ, trong đó có 1.293 em bị xâm hại tình dục.

Trong số các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) năm 2017 và 2018, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi: người quen, hàng xóm là 59,06%; người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,12%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03%; các đối tượng khác là 13,79%.

Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho hay, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn những thách thức. Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.

Tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình như bố đẻ, giáo viên, bạn bè trong trường học.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện.

Trong khi đó, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em. Cũng như thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, kịp thời và thường xuyên nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em chưa được các thành viên của tổ chức, cộng đồng dân cư quan tâm, phát hiện và chung tay giải quyết.

Nêu giải pháp để đấu tranh với vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em, bà Lesley Miller cho rằng, Việt Nam phải tăng cường khung khổ pháp lý phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Định nghĩa trẻ em là dưới 18 tuổi, cần được bảo vệ trước các bạo lực về thể xác, tinh thần và các hình thức khác. Bên cạnh đó, cần tăng cường hệ thống an sinh xã hội để phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả.