Bạo loạn ở Kazakhstan: Những trùng hợp bất thường…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạo loạn ở Kazakhstan diễn ra đồng loạt ở nhiều thành phố, ngay trước ngày Giáng sinh Chính thống giáo (07/01) và ngay trước thềm cuộc đối thoại an ninh Mỹ-Nga.

Theo nhận định của giới chuyên gia, nguồn tài trợ hào phóng từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế (Non-Government Organizations - NGOs) và chính phủ Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong tình trạng bất ổn xã hội đang diễn ra ở Kazakhstan trong những ngày gần đây.

Những ngày đầu năm 2022 ở Kazakhstan được đánh dấu bằng sự bùng nổ bạo loạn trên đường phố Alma-Ata (Almaty), nguyên nhân ban đầu có lẽ là do giá khí đốt hóa lỏng ở nước này tăng gấp hai lần (tăng khoảng 1 dollars mỗi gallon khí LNG), sau khi nhà nước bãi bỏ trợ cấp.

Các nỗ lực nhằm xoa dịu đám đông giận dữ đã không thành công và cuộc biểu tình nhanh chóng trở thành một biểu hiện chính trị, kèm theo các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các nhân viên thực thi pháp luật và các cơ quan nhà nước ở một số thành phố của Kazakhstan.

Theo bình luận của Phó Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Eurasia là ông Earl Rasmussen, nếu nguyên nhân thực sự dẫn đến cuộc bạo loạn bùng phát được cho là do việc loại bỏ các biện pháp kiểm soát giá khí đốt, dẫn đến việc tăng khoảng 1 dollars mỗi gallon khí LNG, thì có lẽ dân chúng Mỹ cũng đã nổi loạn rồi.

Văn phòng thị trưởng ở Almaty, Kazakhstan bị những người biểu tình đốt cháy hôm 5/1
Văn phòng thị trưởng ở Almaty, Kazakhstan bị những người biểu tình đốt cháy hôm 5/1

Do đó, vị chuyên gia này nhận xét rằng, không có gì là sự “trùng hợp ngẫu nhiên” cả. Chính quyền Washington và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có thể đã đóng vai trò thúc đẩy quan trọng đối với tình trạng bất ổn xã hội ở Kazakhstan hiện nay.

Theo số liệu từ Trung tâm Quốc tế về Luật Phi lợi nhuận (International Center for Not-for-Profit Law - ICNL) ước tính, hiện có tới 38.000 tổ chức, hội, nhóm phi chính phủ đang hoạt động ở Kazakhstan và một phần lớn trong số đó được tài trợ bởi Mỹ và các nước châu Âu thông qua các khoản đóng góp khác nhau.

Ngoài ra, Vương quốc Anh cũng có hơn 85 tổ chức phi chính phủ đang có mặt tại Kazakhstan và đã cung cấp nguồn kinh phí đáng kể để cung cấp cái gọi là “xã hội dân sự và pháp quyền” cho “những người dân tội nghiệp” ở đất nước này.

Ông Rasmussen nhận định, có vẻ như các quỹ của Mỹ và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã hoạt động khá tốt khi nhìn vào sự bất an ở đất nước này.

Theo vị chuyên gia Mỹ, những cơ cấu tham gia tích cực nhất vào các quá trình chính trị và xã hội ở Kazakhstan là các tổ chức như “Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ” (US Agency for International Development - USAID), “Quỹ Tài trợ Quốc gia về Dân chủ” (National Endowment for Democracy - NED), “Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ” (American Bar Association - ABA), “Ngôi nhà Tự do” (Freedom House - FH) và nhiều tổ chức khác.

Theo số liệu do tổ chức này công bố, “Quỹ Tài trợ Quốc gia về Dân chủ” đã chi hơn 1 triệu USD để hỗ trợ các tiến trình dân chủ và phong trào nhân quyền ở Kazakhstan vào năm 2020.

Những người nhận quỹ ở Kazakhstan đã làm việc để nâng cao mức độ tham gia của thanh niên vào các quá trình chính trị và xã hội, hỗ trợ các phương tiện thông tin đại chúng được cho là độc lập, cũng như để bảo vệ các tổ chức xã hội dân sự.

Chính phủ Mỹ là nguồn tài trợ chính cho các lực lượng được gọi là "dân chủ" ở Kazakhstan và khi không tài trợ trực tiếp cho một số hoạt động thông qua Bộ Ngoại giao hoặc USAID, Washington sẽ gửi tiền dưới dạng tài trợ của các hội nhóm và cá nhân khác nhau cho các tổ chức và công dân Kazakhstan.

Theo số liệu chính thức, vào năm 2020, các cơ quan hỗ trợ nước ngoài của Mỹ đã cung cấp tới 61 triệu USD cho Kazakhstan.

Thật vậy, vào năm 2021, Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một chương trình hỗ trợ hiệp hội tự do ở Kazakhstan và đã phân bổ 750.000 USD cho mục đích này.

Một khoản trợ cấp khác trị giá 740.740 USD đã được công bố vào tháng 12 với trọng tâm là thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo ở Kazakhstan.

Chương trình “Góc Hoa Kỳ” (American Corners) được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào năm 2021 nhằm thúc đẩy các giá trị, văn hóa và nghiên cứu của người Mỹ trên mười thành phố lớn nhất ở Kazakhstan, bao gồm Almaty, Pavlodar, Aktobe, Nur-Sultan và Karaganda.

Theo các mô tả về chương trình và trợ cấp, thanh niên Kazakhstan thể hiện mối quan tâm chính đối với các thực thể nước ngoài tuyên bố quan tâm đến dân chủ và nhân quyền ở quốc gia Trung Á này, với những yêu sách được nhồi nhét vào đầu họ về các vấn đề: Trả tự do cho các tù nhân chính trị; yêu cầu Tổng thống từ chức, giải tán chính phủ và rút khỏi các thỏa thuận với Nga về EAEU (Liên minh Kinh tế Á-Âu).

Kazakhstan có lợi ích chiến lược đối với Nga vì nước này có đường biên giới với Nga dài hơn 7.000 km (4.350 dặm), người Nga cư trú đông đúc và là nơi có các cơ sở vũ trụ của Nga ở Baikonur. Nước này cũng đóng một vai trò quan trọng trong “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc và là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

"Tôi thấy thú vị là tình trạng bất ổn dường như có dấu hiệu được phối hợp trên khắp đất nước xảy ra trong thời kỳ Giáng sinh Chính thống giáo và ngay trước cuộc đối thoại an ninh Mỹ-Nga. Thật trùng hợp! Người ta cần phải tự hỏi đây có phải là điều ngẫu nhiên hay không?" - ông Rasmussen hỏi nhưng cũng tự đưa ra kết luận.