Bạo loạn ở Kazakhstan: Nga ra tay chặn cú đánh ở sườn phía nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạo loạn ở Kazakhstan đang diễn biến phức tạp, Moscow đã điều quân đến nước này nhằm ngăn chặn sự bùng phát một điểm nóng ở biên giới phía nam-tây nam nước Nga.

Các cuộc biểu tình hàng loạt ở Kazakhstan bắt đầu vào những ngày đầu năm 2022. Tại Alma-Ata (Almaty), thủ đô cũ của nước Cộng hòa Kazakhstan, đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình có vũ trang với nhân viên công lực, buộc lực lượng an ninh, cảnh sát phải sử dụng khí cay và lựu đạn gây choáng.

Tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng ở Kazakhstan trong hai tuần. Internet đã bị ngắt và tạm thời dừng việc phát sóng một số kênh truyền hình trên lãnh thổ Kazakhstan.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã nhanh chóng triển khai tới Kazakhstan để đảm bảo an ninh cho nước này, theo đề nghị của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. Trong đó, Nga là nước đứng đầu về số lượng quân và cấp độ nhanh chóng triển khai.

Theo nguồn tin của giới truyền thông Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh huy động 70 máy bay vận tải hạng nặng Il-76 và An-124 bay suốt ngày đêm “cõng” hàng ngàn lính dù và trang bị nặng tới Kazakhstan để trấn áp tình trạng bạo lực leo thang tại quốc gia Trung Á.

Theo đó, đã có khoảng 2.500 quân đã được đưa sang Kazakhstan, trong đó phần lớn là lính dù, đặc nhiệm Spetsnaz và lực lượng tình báo quân sự GRU. Đợt chuyển quân tiếp theo dự kiến sẽ huy động khoảng 5.000 quân thuộc lực lượng đặc biệt hoặc lính dù.

Biểu tình ở Kazakhstan đã nhanh chóng leo thang thành bạo loạn vũ trang lật đổ chính quyền
Biểu tình ở Kazakhstan đã nhanh chóng leo thang thành bạo loạn vũ trang lật đổ chính quyền

Theo giới phân tích, sở dĩ Nga nhanh chân nhất và cũng huy động lực lượng lớn nhất là do nước này có lợi ích lớn nhất ở Kazakhstan, không chỉ là lợi ích kinh tế và còn liên quan đến địa-chính trị và quân sự. Do đó, Moscow sẽ không để đất nước này sa vào vòng kiểm soát của “khủng bố”.

Một là: Kazakhstan nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga

Kazakhstan nằm ở ngã ba ảnh hưởng của thế giới, bao hàm không gian hậu Xô Viết và ảnh hưởng của Trung Quốc, trong khi đó cũng chịu tác động mạnh mẽ của các thế lực phương Tây.

Từ lâu, ở đất nước này đã có những âm mưu kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Kazakhstan, các nhóm chống lợi ích Nga cũng đã được thành lập trong chính phủ nước này.

Theo giới chức Điện Kremlin, bạo loạn ở đất nước Trung Á ở biên giới phía nam-tây nam nước Nga cũng giống như ở Ukraine (phía tây), Belarus (tây-tây bắc), đó là một phần trong tổng thể các âm mưu chống Moscow của phương Tây, với các đòn đánh gây bất ổn chính trị ở các quốc gia bên sườn nước Nga.

Điện Kremlin sẽ quyết không để đất nước này rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây giống như ở Ukraine, tạo ra thêm một bất ổn mới ở biên giới phía nam-tây nam của nước Nga.

Do đó, bất cứ hành động bạo loạn (bị cho là) do phương Tây xúi giục đe dọa đến chính quyền nước này sẽ bị Nga coi là xâm hại đến an ninh và lợi ích quốc gia của Moscow và cần phải bị “nghiêm trị”.

Đó cũng là những gì mà ông Putin đã quyết định khi đưa lực lượng quân sự và an ninh sang hỗ trợ Belarus dẹp yên đợt bạo loạn hồi tháng 8 năm ngoái.

Hai là: Tình hình Kazakhstan thực sự nguy cấp

Bạo loạn ở Kazakhstan và Belarus khác nhau về cấp độ, các phần tử biểu tình có vũ trang đã đụng độ với lực lượng an ninh Kazakhstan ở các trụ sở chính quyền thành phố Alma-Ata, tấn công lính dù Nga ở sân bay Alma-Ata để chiếm quyền kiểm soát Sân bay Quốc tế.

Ngoài ra, tình hình tại thành phố Taldykorgan của Kazakhstan, nơi đang tiến hành chiến dịch chống khủng bố vẫn đang căng thẳng và các vụ xả súng vẫn tiếp diễn. Người biểu tình vũ trang cũng định xông vào nhà tù của thành phố để giải thoát tù nhân nhưng đã bị đẩy lùi.

Những kẻ cực đoan đứng sau các cuộc biểu tình ở Kazakhstan đã chiếm được ít nhất 6 tổ hợp phòng không Igla ở trụ sở KNB Alma-Ata. Điều này đã tạo ra mức độ đe dọa cao đối với hàng không vận tải quân sự của các nước CSTO đến Kazakhstan và cả các chuyến bay dân dụng.

Đã có hàng chục tên khủng bố có vũ trang đã bị tiêu diệt, hàng trăm tên khác bị thương và hơn 4000 người đã bị bắt giữ vì có liên quan đến âm mưu bạo loạn.

Do đó, việc Nga cấp tốc điều quân sang Kazakhstan cũng là điều dễ hiểu, nó vừa có tác dụng trấn an đồng minh, vừa kịp thời tung những lực lượng thiện chiến nhất để can thiệp vào các điểm nóng chiến sự, ngăn chặn tình hình xấu đi một cách nhanh chóng.

Ba là: Nga có nhiều lợi ích ở Kazakhstan

Ngoài những nguyên nhân trên, Nga rõ ràng sẽ không bỏ rơi đồng minh bởi Moscow có nhiều mối ràng buộc về lợi ích ở Kazakhstan.

Trên lãnh thổ nước này có sân bay vũ trụ Baikonur và bãi thử tên lửa Sary-Shagan. Cả hai cơ sở đều có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của chương trình vũ trụ và hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Sẽ là ác mộng nếu để những địa điểm quân sự cực kỳ quan trọng này rơi vào tay đám đông cuồng nộ.

Ngoài ra, có hàng trăm doanh nghiệp thương mại Nga đang hoạt động tại Kazakhstan. Hơn nữa, ở Kazakhstan có hàng triệu công dân nói tiếng Nga sống ở các vùng phía bắc đất nước.

Việc bảo vệ đồng bào ở nước ngoài và bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp Nga ở hải ngoại luôn được các nhà chức trách Moscow gọi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách bảo đảm lợi ích Nga trên khắp thế giới, mà Tổng thống Vladimir Putin vẫn thường đề cập đến trong chiến lược an ninh quốc gia.