Bạo loạn Kazakhstan: Âm mưu lập tiền đồn chống Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạo loạn ở Kazakhstan được giới chuyên gia Nga nhận định là âm mưu của phương Tây lập một tiền đồn mới chống Nga từ phía nam.

Các cuộc biểu tình đã bùng phát ở Kazakhstan từ ngày 2 tháng 1 năm 2022, khi cư dân của các thành phố Zhanaozen và Aktau ở phía tây đất nước phản đối việc tăng giá khí hóa lỏng gấp đôi. Sau đó, các cuộc biểu tình đã nhanh chóng lan sang các thành phố khác, bao gồm Alma-Ata (Alma), thủ đô cũ và là thành phố lớn nhất của nước này.

Biểu tình đã biến thành bạo loạn, những vụ cướp bóc bắt đầu nổ ra nhưng tệ hại hơn là nhiều tay súng đã xông vào các cơ quan công quyền, tước vũ khí của binh lính và lực lượng an ninh.

Theo Liên Hợp Quốc, đã có khoảng 1.000 người bị thương trong các cuộc biểu tình ở Kazakhstan. Theo Bộ Nội vụ của nước cộng hòa này, 17 nhân viên thuộc lực lượng an ninh Kazakhstan đã thiệt mạng, hơn 1.300 nhân viên an ninh khác bị thương

Người bạo loạn Kazakhstan phá hủy tượng đài của tổng thống đầu tiên Nursultan Nazarbaev ở Taldykorgan, cảnh sát di chuyển để chặn người biểu tình trong cuộc biểu tình ở Almaty ngày 5/1

Người bạo loạn Kazakhstan phá hủy tượng đài của tổng thống đầu tiên Nursultan Nazarbaev ở Taldykorgan, cảnh sát di chuyển để chặn người biểu tình trong cuộc biểu tình ở Almaty ngày 5/1

Đáp lại, các nhà chức trách đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước cho đến ngày 19/1 và phát động “chiến dịch chống khủng bố”. Sáng ngày 5/1, Tổng thống nước Kassym-Jomart Tokayev đã bãi nhiệm chính phủ và trở thành người đứng đầu Hội đồng An ninh.

Tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng An ninh dưới sự chủ tọa của mình, ông Tokayev mô tả tình hình ở Kazakhstan là làm xói mòn sự toàn vẹn của nhà nước. Tổng thống cho biết rằng, ông đã yêu cầu “Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể” (CSTO) giúp đỡ trong việc “đối phó với mối đe dọa khủng bố”.

Hôm 10/1, Tổng thống, ông Tokayev thông báo rằng, chiến binh từ các nước Trung Á, Afghanistan và Trung Đông đã tham gia vào âm mưu bạo loạn, mưu đồ tạo thành khu vực hỗn loạn có kiểm soát và tiếp sau đó là cướp chính quyền.

Điều này chứng tỏ đây rõ ràng là cuộc tấn công khủng bố, là cuộc tấn công xâm lược có sự tổ chức và chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm chống Kazakhstan.

Tổng thống Tokayev cũng tiết lộ, những hành động bạo lực của bọn khủng bố đã khiến khoảng 1.300 cơ sở kinh doanh bị thiệt hại, hơn 100 trung tâm mua sắm và ngân hàng bị tấn công, khoảng 500 xe cảnh sát bị đốt cháy. Tính sơ bộ, thiệt hại kinh tế đối với Nhà nước có thể lên tới 2-3 tỷ USD.

Âm mưu thiết lập

Vào hôm 10/01, khi phát biểu tại phiên họp bất thường của Hội đồng An ninh Tập thể CSTO, Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng, “công nghệ Maidan” đã được sử dụng trong cuộc bạo loạn ở Kazakhstan, ở đó có các nhóm chiến binh đã được huấn luyện trong các trại khủng bố ở nước ngoài.

Chuyên gia Bogdan Bezpalko, thành viên Đoàn chủ tịch Hội đồng quan hệ quốc tế nhận định rằng, ý kiến của ông Putin là chính xác, rõ ràng là công nghệ cách mạng màu đã được sử dụng, với đặc trưng là sự xuất hiện của những chiến binh nước ngoài, người biểu tình vũ trang, những khẩu hiệu kinh tế và thời điểm nổ ra bạo loạn bắt đầu vào những ngày nghỉ lễ, khi không ai mong đợi điều này.

Chuyên gia Bezpalko nói thêm rằng, tình hình ở Kazakhstan phù hợp với quan niệm của Mỹ là “châm ngòi các cuộc xung đột trong các quốc gia hậu Xô viết”, đã được công bố bởi cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump là ông John Bolton.

Ông lưu ý rằng, thời gian gần đây chính quyền Nursultan bắt đầu thực thi chính sách xích lại gần Moscow và điều đó rõ ràng là không vừa lòng Washington. Mỹ chỉ thích một nhà nước chống Nga, còn nếu một chính quyền nào đề cao sự tự chủ và hợp tác với Nga, thì nó phải bị đánh sập.

Chuyên gia Bezpalko phân tích, sự tham gia của lính đánh thuê nước ngoài, chủ yếu là các nhóm hồi giáo, cũng cho thấy rõ sự tương đồng với các sự kiện trên “Quảng trường Độc Lập” (Quảng trường Maidan) ở thủ đô Kiev của Ukraine hồi tháng 2/2014.

Theo ông, các nhóm Hồi giáo cực đoan chắc chắn đã được sử dụng ở Kazakhstan, như một đội quân tiên phong. Những nhóm này luôn nhận được sự hỗ trợ nhất định từ các cơ quan đặc nhiệm nước ngoài, với sự cung cấp tiền bạc, vũ khí và một số thông tin nhất định.

Tham gia vào trò chơi chính trị này, các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ đạt được mục tiêu của mình là giành chính quyền, phá hủy chế độ thế tục, chiếm đất đai để lập lãnh địa riêng, còn những người chơi địa chính trị phương Tây đạt được mục tiêu của họ là gia tăng áp lực lên Liên bang Nga từ phía nam.