Bao giờ hết nỗi lo về thuốc?

(ANTĐ) - Theo các báo cáo của Bộ Y tế từ đầu năm đến nay, thị trường dược phẩm nước ta tương đối bình ổn. Thế nhưng qua khảo sát riêng của chúng tôi trên thị trường, giá nhiều loại thuốc vẫn liên tục tăng lên và có nhiều biến động.

Bao giờ hết nỗi lo về thuốc?

(ANTĐ) - Theo các báo cáo của Bộ Y tế từ đầu năm đến nay, thị trường dược phẩm nước ta tương đối bình ổn. Thế nhưng qua khảo sát riêng của chúng tôi trên thị trường, giá nhiều loại thuốc vẫn liên tục tăng lên và có nhiều biến động.

Thuốc nhập khẩu vẫn lấn át thuốc nội
Thuốc nhập khẩu vẫn lấn át thuốc nội

Phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu

Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, trong tháng qua có 7 lượt mặt hàng thuốc ngoại tăng giá, chiếm tỷ lệ chưa đầy 0,1% so với hơn 8.000 lượt mặt hàng khảo sát, với tỷ lệ tăng trung bình 4,9%, ví dụ như kháng sinh Amoxicilin, Eganin, Loperamide, Anben... Nhiều mặt hàng thuốc nội cũng tăng giá từ 2- 20% như vitamin B, thuốc trị viêm đường hô hấp Pharcoter, Cevit, nhiệt miệng PV, thuốc nhỏ mắt Osla, Neomydexa... 

Thuốc không đạt chất lượng chiếm 3%

Theo báo cáo mới đây của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, chất lượng thuốc trên thị trường trong những năm gần đây đã được kiểm soát chặt hơn, song tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng vẫn duy trì ở mức 3%, thuốc giả là 0,1%. Những sản phẩm thuốc dễ bị giảm chất lượng do điều kiện bảo quản gồm: kháng sinh, chế phẩm men, tiêu hóa dược liệu và thuốc đông dược. Thuốc giả được phát hiện dưới nhiều hình thức như không có hoạt chất, giả bao bì nhãn mác của các thuốc ngoại nhập có giá trị cao, thuốc đông dược có thành phần tân dược không được công bố trên nhãn.

Trong khi đó, qua khảo sát riêng của chúng tôi tại nhiều cửa hàng thuốc tư nhân ở Hà Nội, từ đầu tháng 7 đến nay, giá thuốc tân dược các loại như kháng sinh, vitamin, thực phẩm chức năng của nhiều hãng dược phẩm trong nước, liên doanh, nhập khẩu đều đã được điều chỉnh với mức tăng khác nhau. Số lượng các loại thuốc nội tăng giá nhiều hơn so với các loại thuốc ngoại, với mức tăng từ 10-50%. Tại một số hiệu thuốc trên các phố Quán Sứ, Giảng Võ, Hai Bà Trưng..., nhân viên đều cho biết có nhiều loại thuốc nội tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất là sản phẩm Nga Phụ Khang (do Công ty dược phẩm Á Âu phân phối) với mức tăng gần 50% so với mức giá cũ cách đây gần 2 tháng.

Một trong những nguyên nhân khiến cho người bệnh đang phải chịu “bóc lột một cách tinh vi” về giá thuốc chính là do chúng ta đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn thuốc ngoại với giá đắt hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thuốc nội có cùng tác dụng. Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một số mặt hàng thuốc nội tăng giá là do nguyên liệu nhập khẩu tăng. Theo báo cáo từ Bộ Y tế, hiện cả nước có 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, đảm bảo khoảng 50% lượng thuốc tiêu thụ trong nước, nhưng chỉ có 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hóa dược để cung cấp nguyên liệu cho hơn 170 doanh nghiệp sản xuất thuốc này.

Trên thực tế, tuy là một nước có nguồn dược liệu khá phong phú và tiềm năng khai thác lớn song đến nay chúng ta mới chỉ tự cung cấp được… 9% nguồn nguyên liệu hóa dược phục vụ sản xuất thuốc trong nước, hơn 90% còn lại phải dựa vào nguyên liệu nhập khẩu.

Bình ổn thế nào?

Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ví dụ: vitamin C là loại thuốc được dùng cực kỳ phổ biến nhưng hiện nay cả nước chưa có nhà máy nào sản xuất vitamin C và hàng năm chúng ta phải nhập khẩu khoảng 700 tấn vitamin C. Ngành công nghiệp dược phẩm nước ta vẫn đang phải nhập khẩu hoàn toàn các loại hoạt chất điều trị ung thư với giá rất đắt, trong khi tại chính nước ta lại có rất nhiều loại nguyên liệu dược phẩm, cây thuốc quý có chứa các hoạt chất hoặc các tiền chất chống ung thư như: cây thông đỏ, cây dừa cạn, trinh nữ hoàng cung… nhưng chúng ta chưa khai thác, điều chế được. Việc phụ thuộc vào nguồn thuốc, nguyên liệu hóa dược nhập khẩu không chỉ khiến ngành công nghiệp dược trong nước bị lấn át mà còn khiến người dân phải chịu thiệt thòi không nhỏ trong sử dụng thuốc chữa bệnh.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Vũ Thị Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Traphaco cũng thẳng thắn phân tích, chúng ta có thế mạnh lớn về nguồn dược liệu, cây thuốc quý, song vấn đề là chúng ta chưa biết cách khai thác, chưa chủ động được thị trường. Chẳng hạn, cây hanh hao hoa vàng có giá trị lớn dùng bào chế thuốc chữa sốt rét, ở nước ta có thể trồng và cung cấp sản lượng vô cùng lớn. Thế nhưng trong khi số bệnh nhân bị sốt rét ở nước ta còn cao, đặc biệt tiềm năng xuất khẩu rất lớn sang thị trường châu Phi (nơi tỷ lệ bị sốt rét cao nhất thế giới), thì toàn bộ nguồn nguyên liệu của chúng ta được xuất cho các công ty hóa dược Trung Quốc và sản xuất nguồn nguyên liệu này phụ thuộc vào việc thu mua của các công ty Trung Quốc. Bà Thuận nhấn mạnh, một khi chúng ta còn phụ thuộc lớn vào nguồn thuốc ngoại, vào nguồn nguyên liệu hóa dược nhập khẩu thì chúng ta chưa thể chủ động bình ổn thị trường thuốc trong nước được. Bởi khi có biến động về kinh tế xã hội, chắc chắn không tránh khỏi tình trạng bị các công ty dược phẩm nước ngoài chèn giá.

TS Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp dược cần phải thực hiện được cả 3 mục tiêu y tế - kinh tế - xã hội, tuy nhiên hiện nước ta chưa có nhiều chính sách hay cơ chế đặc thù để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, thực hiện được các mục tiêu này. Chúng ta chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành trong việc phát triển các vùng dược liệu. Các doanh nghiệp trong nước cũng còn khoảng cách chênh lệch đáng kể so với nhà sản xuất dược phẩm nước ngoài do mức đầu tư còn thấp, mặt bằng khoa học - phát triển - nghiên cứu còn hạn chế… Để cải thiện được tình trạng này, cần có một định hướng đầu tư tổng thể trong lĩnh vực dược thời gian tới.

Nguyễn Phan