Báo động về tai nạn lao động trong ngành xây dựng

ANTĐ - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, tình hình tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng những năm gần đây tăng báo động về cả số vụ và mức độ nghiêm trọng. Năm 2015, ngành xây dựng đứng đầu về tai nạn lao động, chiếm 35,2%  số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết.

Báo động về tai nạn lao động trong ngành xây dựng ảnh 1Vụ tai nạn sập giàn giáo tại khu kinh tế Vũng Áng năm 2015, làm 13 người chết, 29 người bị thương

Coi nhẹ vấn đề an toàn lao động

Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng cho biết, lĩnh vực xây dựng là một trong những nguồn tạo việc làm chính ở Việt Nam với hơn 3,3 triệu người lao động. Đây cũng là ngành có số vụ và số người bị tai nạn lao động cao nhất trong các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Trong số 6 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, nhiều thương vong nhất năm 2015, có tới 4 vụ xảy ra tại các công trường xây dựng. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có hơn 7.000 người bị tai nạn năm 2015.

Điều này có nghĩa là có hơn 500 người bị tai nạn/tháng, hơn 130 người/tuần, 27 người/ngày và khoảng 3,4 người/giờ (tính theo 8 giờ làm việc). Trong đó, ngành xây dựng chiếm 1/3, tức là tối thiểu 1 giờ có 1 người gặp tai nạn. Nhưng đây mới chỉ là con số thống kê được, số vụ tai nạn lao động trên thực tế có lẽ còn lớn hơn.

Phân tích nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng, ông Phạm Minh Huân cho biết, do ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động còn chưa cao. Phân loại nguyên nhân cho thấy, 53% các vụ tai nạn lao động xảy ra trong thời gian qua là do ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, bản thân người lao động cũng chưa tự trang bị cho mình những kiến thức phòng chống tai nạn lao động.

Ông Phạm Minh Huân cũng thẳng thắn thừa nhận, ngoài trách nhiệm từ phía người sử dụng lao động và người lao động, một phần nguyên nhân của tình hình trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế, sự phối hợp của các ngành, các cấp chưa thực sự hiệu quả.

Siết chặt công tác thanh tra

Trước tình hình tai nạn lao động tại các công trình xây dựng ngày một nguy hiểm, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tiến hành các giải pháp đồng bộ, tăng cường sự phối hợp, siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình an toàn lao động tại các công trường. Ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết, để giảm thiểu những thiệt hại về người và của, nâng cao nhận thức về an toàn lao động, năm nay Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành thanh tra lao động trên toàn quốc với trọng điểm là ngành xây dựng.

Với mục đích tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức chính trị, xã hội trong việc kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng. Việc thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng có sự tham gia của cả thanh tra lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động. 

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật về an toàn lao động của cả người sử dụng lao động và người lao động. Nếu chỉ thanh tra và xử phạt thì hiệu quả không cao vì chế tài xử phạt ở lĩnh vực này còn khá nhẹ. Thực tế, số vụ tai nạn lao động chết người được đưa ra xét xử chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo ông Rene Robert, chuyên gia cao cấp của Văn phòng ILO ở Bangkok, việc ngăn ngừa những tổn thất về con người trong các vụ tai nạn lao động đang là yêu cầu cấp bách.

Cũng như ở các nước trên thế giới, trách nhiệm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động trước hết thuộc về người sử dụng lao động. Vì lẽ đó, thanh tra lao động cần tăng cường vai trò tư vấn để giúp người sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của họ để đạt được sự tuân thủ pháp luật và điều kiện làm việc bảo đảm cho người lao động tại các công trường xây dựng.  

Thanh tra 630 doanh nghiệp xây dựng về lao động: Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ phát động chiến dịch Thanh tra lao động năm 2016 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 21-3. Các nội dung thanh tra trọng điểm gồm: thời giờ làm việc, tiền lương, xây dựng nội quy đào tạo về an toàn vệ sinh lao động, sử dụng giàn giáo, giá đỡ và thiết bị điện…

Việc thanh tra lao động năm nay nhằm thúc đẩy việc tuân thủ tốt hơn các tiêu chuẩn và quy định về lao động, giải quyết các vi phạm phổ biến trong ngành xây dựng, từ đó cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Chương trình được thực hiện từ tháng 3 đến hết tháng  11-2016.