Báo động an ninh mạng và khủng bố

ANTĐ - Tội phạm mạng và khủng bố đang trở thành những vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên với các nước ASEAN, đòi hỏi phải có biện pháp đối phó khẩn cấp.

Tội phạm mạng đã trở thành thách thức với ASEAN

Trước kia, nếu coi tội phạm hình sự, tội phạm ma túy là cực kỳ nguy hiểm, thì nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao (CNC) đang trở thành quốc nạn của nhiều quốc gia. Theo con số thống kê của hãng bảo mật Symantec, gần 2/3 người dùng web (65%) trên toàn thế giới là nạn nhân của tội phạm mạng (bị lây nhiễm virus, mã độc và gian lận thẻ tín dụng). 

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN, là địa bàn hoạt động của tội phạm mạng. Kết quả nghiên cứu về an toàn thông tin do Đại học Singapore thực hiện cho biết người tiêu dùng tại khu vực này phải “gánh” khoản chi phí lên tới 11 tỷ USD vì những thiệt hại do tội phạm mạng gây nên và việc phải sửa chữa máy tính do sự xâm phạm của các mã độc từ phần mềm không bản quyền. Đối với khối doanh nghiệp, con số này ước tính lên tới gần 230 tỷ USD trong năm 2014.

Cùng với tội phạm mạng, khủng bố cũng đang là vấn đề nổi lên ở một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Philippines. Thậm chí một số nhà phân tích cho rằng khu vực này đã trở thành mặt trận chống khủng bố thứ hai trên thế giới, sau Afghanistan. Mạng lưới khủng bố từng tồn tại từ lâu ở Đông Nam Á, nổi lên là những vụ tàn sát dân lành, bắt cóc con tin người nước ngoài ở Philippines mà kẻ chủ mưu là tổ chức Hồi giáo cực đoan Abusayyaf.   Còn ở Indonesia, nơi mà tình hình chính trị    luôn bị tác động bởi mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, cũng đã từng xảy ra nhiều vụ khủng bố mà lớn nhất là vụ đánh bom trên đảo Bali hồi tháng 10-2002 làm hơn 200 người chết và bị thương…

Hướng đến một cộng đồng chính trị - an ninh đoàn kết, hòa bình và tự cường, ASEAN đã khẳng định sự theo đuổi nguyên tắc an ninh toàn diện, trong đó, bên cạnh những nội dung của an ninh truyền thống còn quan tâm đến những yếu tố phi truyền thống, đặc biệt là tội phạm mạng và khủng bố. Năm 2011, các nước ASEAN đã thông qua Công ước về chống khủng bố, đề ra nhiều chương trình hành động, kế hoạch công tác cũng như các biện pháp hợp tác đối phó với các thách thức phi truyền thống đang nổi lên hiện nay.

Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) tổ chức tại Singapore, ASEAN đã thành lập hai cơ chế mới là các Nhóm làm việc quan chức cấp cao ASEAN về tội phạm mạng và chống khủng bố. Đây là bước đi cụ thể, thể hiện cam kết của ASEAN trong việc giải quyết thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên này và hoàn thành lộ trình ASEAN về chống tội phạm mạng với mục tiêu tăng cường hợp tác khu vực về xây dựng năng lực và đào tạo, thực thi pháp luật, quy định và các vấn đề pháp lý, trao đổi thông tin và hợp tác ngoài khu vực.

Không chỉ hợp tác nội khối, ASEAN còn mở rộng liên kết với các nước ngoài khu vực để đối phó với an ninh phi truyền thống. Cuối tháng 5 vừa rồi, Đối thoại ASEAN-Nhật Bản về tội phạm mạng (AJCC) và chống khủng bố (AJTC) cũng đã diễn ra ở Singapore. Đối thoại đã tập trung xem xét đánh giá tiến bộ trong hợp tác giữa hai bên chống tội phạm mạng và khủng bố, nhất là việc thực hiện và kết quả các dự án hợp tác trong các lĩnh vực này. Đông Nam Á không thể hoàn thành mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015 nếu như không vượt qua các thách thức này.