- Tăng men gan là "thủ phạm" gây nguy cơ ung thư
- Hóa chất gây ung thư từ bụi bẩn trong nhà
- Nam giới lo âu dễ tử vong do ung thư
Bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện K tăng chóng mặt
Số liệu đưa ra tại lễ mít tinh kể trên cho thấy, số trường hợp người Việt mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca (năm 2000) lên 126.000 ca (năm 2010). Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ vượt qua 189.000 ca.
Tốc độ tăng nhanh nhất thế giới
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, tốc độ tăng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới với sau 15 năm số ca mắc mới đã tăng gấp hơn 2 lần. Cụ thể, nếu như năm 1990, cả nước ước tính có khoảng 70.000 ca ung thư, đến năm 2015 là 150.000 bệnh nhân mới.
Như vậy, sau 15 năm, số ca ung thư được phát hiện mới tăng gấp hơn 2 lần. Ước tính, đến năm 2020, con số này sẽ khoảng 200.000 ca. Điều này được thể hiện trực tiếp thông qua số lượng bệnh nhân ung thư đến điều trị tại Bệnh viện K tăng chóng mặt qua hàng năm.
Tương tự, tại Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, Giám đốc bệnh viện Phạm Xuân Dũng cho biết, trung bình mỗi năm, số bệnh nhân đến điều trị tại đây tăng khoảng 10%.
Điều nguy hiểm hơn là phần lớn bệnh nhân ung thư ở nước ta được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khiến cho tỷ lệ tử vong rất cao. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 94.000 người chết do ung thư, tương ứng mỗi ngày có 257 người chết.
Qua thống kê chung của ngành y tế nước ta, 5 loại ung thư thường gặp nhiều nhất ở nữ gồm: Ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung và ung thư dạ dày. Trong khi đó, 5 loại ung thư nhiều nhất ở nam giới gồm: Ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đầu trực tràng và ung thư thực quản.
80% mắc ung thư là do môi trường sống
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, có 4 nguyên nhân chính khiến ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh.
Thứ nhất là tuổi thọ người Việt ngày càng cao và tuổi càng cao thì tỷ lệ phơi nhiễm với các nguy cơ ung thư càng lớn. Thứ hai là nhận thức của người dân về sức khỏe ngày càng tăng, số người chủ động đi khám khi nghi ngờ bệnh tăng nên tỷ lệ phát hiện bệnh tăng.
Thứ ba là các phương tiện chẩn đoán trong y học ngày càng tốt hơn, tỷ lệ phát hiện bệnh cao hơn. Thứ 4, do tác động của các nguyên nhân hiện hữu gồm nguyên nhân bên ngoài và bên trong.
Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cũng nhấn mạnh, ung thư là bệnh lý gây ra do nhiều nguyên nhân kết hợp, trong đó chỉ có dưới 10% ung thư phát sinh do các rối loạn trong cơ thể, 80% do liên quan yếu tố môi trường sống.
Cụ thể, các nguyên nhân từ môi trường sống tác động làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư gồm: khói thuốc lá; dinh dưỡng không an toàn, không hợp lý (ăn ít rau xanh, quá nhiều chất đạm, đặc biệt là mỡ động vật...).
Đặc biệt, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chứa hóa chất độc hại, hay thói quen ăn các loại thức ăn có nhiều chất có khả năng gây ung thư như dưa muối chứa nitrat, nitrit; gạo mốc... là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư.
Theo các chuyên gia y tế, khoảng 40% ca bệnh ung thư có thể phòng ngừa được thông qua việc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày như: ăn nhiều rau, bớt ăn các thức ăn nướng, hun khói, dưa muối; hạn chế uống các loại nước giải khát có đường; không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia; chú ý đi ngủ sớm, tăng cường vận động mỗi ngày...