Bảo đảm tính nghiêm minh đối với xử lý hành vi nâng giá cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Khắc phục tình trạng chồng chéo pháp luật về giá

Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Giá (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Giá được ban hành năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 đã tạo căn cứ pháp lý quan trọng trong quản lý Nhà nước về giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Giá đã bộc lộ một số hạn chế cần kịp thời sửa đổi để hoàn thiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên thảo luận

Cụ thể là vai trò, giới hạn phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tế liên quan đến phân công, phân cấp; thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng đã và đang cản trở hoạt động trong một số lĩnh vực. Tính thống nhất, đồng bộ của Luật Giá với một số đạo luật liên quan đến quản lý giá trong một số trường hợp chưa bảo đảm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc xây dựng dự án luật phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về giá, khắc phục triệt để những chồng chéo pháp luật, qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá.

Tại Luật Giá (sửa đổi), phải thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc về quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; củng cố, kiện toàn hành lang pháp lý thống nhất, bảo đảm bao quát và thuận lợi cho công tác quản lý điều hành giá, công tác thực hiện, thi hành luật trong thời gian tới.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gồm 8 Chương, 72 Điều, so với luật hiện hành đã bổ sung 3 Chương gồm: Chương III về nội dung quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước; Chương V về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và Chương VII về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn…

Chú trọng danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ: Giới hạn phạm vi điều chỉnh của luật này; mối quan hệ với các đạo luật liên quan theo hướng không trùng lắp, mâu thuẫn dẫn đến xung đột pháp luật. Việc quản lý giá trong một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, y tế… sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… Vì vậy, cần dẫn chiếu cụ thể để tạo sự minh bạch, dễ tiếp cận; cần rà soát thận trọng, bảo đảm tính tuân thủ các điều ước quốc tế liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Giá (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Giá (sửa đổi)

Qua rà soát cho thấy, trong số 72 Điều luật thì có đến 13 Điều luật giao Chính phủ quy định, trong đó nhiều nội dung quan trọng như: Danh mục hàng hóa bình ổn giá; quyết định chủ trương bình ổn giá hàng hóa không thuộc Danh mục bình ổn giá... “Điều này một mặt chưa phù hợp thẩm quyền, mặt khác sẽ làm phát sinh vướng mắc trong thực hiện, không bảo đảm yêu cầu pháp điển hóa. Còn nhiều quy định chưa cụ thể về nội hàm, nhất là các quy định liên quan đến xác định các loại hàng hóa thiết yếu, hàng hóa kê khai giá, niêm yết giá, bình ổn giá… Do đó, đề nghị quy định chi tiết trong luật, phù hợp về thẩm quyền”, ông Nguyễn Phú Cường nêu.

Về các hành vi bị cấm, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận thấy, trên thực tế, ngay cả khi thiên tai, dịch bệnh đã kết thúc thì vẫn có thể xảy ra tình trạng khan hiếm một số hàng hóa nhất định trong một thời gian dài. Vì vậy, để bảo đảm bao quát, chặt chẽ, đề nghị bổ sung quy định cấm lợi dụng nhu cầu tăng đột biến và tình trạng khan hiếm tạm thời về nguồn hàng để tăng giá trục lợi; đồng thời, rà soát các biện pháp chế tài để bảo đảm tính nghiêm minh đối với xử lý hành vi nâng giá cơ hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra

Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì quỹ vì cho rằng, quỹ là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm. Việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đòi hỏi linh hoạt hơn nữa và trong tổ chức thực hiện cần tăng cường trách nhiệm quản lý; tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh. Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, nhiều đại biểu đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm quyền lợi của người dân; đồng thời, cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Cũng trong ngày 19-9, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mục đích quan trọng của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. Cùng với đó là ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.