Bão chồng bão trên biển Đông: Hiện tượng hiếm gặp, nguy hiểm

ANTĐ - Hoàn lưu của bão số 6 vừa gây mưa lớn trên khắp các tỉnh miền Bắc với những thiệt hại nặng nề thì biển Đông vừa đón thêm một cơn bão mới: Bão số 7 với cường độ cấp 13-14. Trong khi đó, các hồ thủy lợi ở Bắc bộ đã đạt đến 80-90% mực nước thiết kế, 10 hồ đã đầy nước, 4 hồ đang tràn và 4 hồ đang phải xả lũ về hạ du.

“Rốn” bão hoành hành trên biển nhìn rất rõ qua ảnh mây vệ tinh

Vùng ảnh hưởng của sức bão rất rộng

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, vào trưa qua 12-8, bão Utor đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) tiến vào biển Đông. Đây là cơn bão thứ 7 hoạt động trong năm nay tại vùng biển Đông. Sau khi đổ bộ vào đảo Luzon, bão Utor đã giảm đi 1-2 cấp. Vào 16h chiều qua, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 Vĩ Bắc;  116,6  độ Kinh Đông, cường độ đạt cấp 13.

 Trong  hôm nay 13-8, bão số 7 chủ yếu di chuyển theo hướng Tây Bắc, đến 16h cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng  18,9 độ Vĩ Bắc;  113,6 độ Kinh Đông. Đặc biệt, bão số 7 sẽ mạnh thêm từ 1-2 cấp, đạt cấp 14-15. Theo nhận định của Trung tâm DBKTTV Trung ương, trong 24-48 giờ tới, bão số 7 tiếp tục chuyển hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) rồi tiếp tục đi vào địa phận tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). 

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương nhận định, các mô hình dự báo cho thấy, 70% khả năng bão sẽ đổ bộ vào Trung Quốc, 30% còn lại sẽ đổ bộ vào khu vực Bắc của Vịnh Bắc bộ. Mặc dù đổ bộ vào Trung Quốc nhưng vùng ảnh hưởng gió cấp 10 sẽ bao trùm hết Đông Bắc Vịnh Bắc bộ và một phần của tỉnh Quảng Ninh. Còn vùng gió cấp 6 sẽ bao trùm hết khu vực Bắc bộ, bao gồm khu Đông Bắc từ Thái Bình trở ra đến Cao Bằng, Lạng Sơn.

Từ chiều 15-8, Vịnh Bắc bộ sẽ có gió mạnh, đạt dần cấp 10. Dù bão số 7 ít khả năng đi xuống khu vực này nhưng di chuyển rất sát gây gió mạnh. Khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ có gió rất mạnh, đạt cấp 8-10, cộng thêm sóng biển dâng cao từ  3-4m, rất nguy hiểm cho tàu thuyền. Theo dự báo, các tỉnh miền Bắc sẽ có đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Mưa kéo dài từ ngày 15-8 đến hết 17-8. 

90% hồ đập đã đầy nước

Do mưa lớn từ ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 và số 6 liên tiếp, nên các hồ thủy lợi ở Bắc bộ đã đạt đến 80-90% mực nước thiết kế, 10 hồ đã đầy nước, 4 hồ đang tràn và 4 hồ đang phải xả lũ về hạ du. Hồ Hòa Bình hiện đang mở một cửa xả đáy. 

Ông Vũ Văn Tú, Cục trưởng Cục Đê điều và PCLB cho hay, do mưa liên tiếp nên dù lũ trên hệ thống các sông ở Bắc bộ như sông Thao, Cầu, Thái Bình không lớn song đã có 32 sự cố về đê điều xảy ra, như Bắc Ninh 9, Hải Dương 10, Bắc Giang 8… Chủ yếu các sự cố là sạt trượt mái đê, thẩm lậu nước qua thân đê… Hiện, hầu hết các sự cố đã được xử lý bước đầu. 

Trong vòng 12 ngày đầu tháng 8, Biển Đông đã đón 3 cơn bão, chưa kể áp thấp nhiệt đới. Nhận định về hiện tượng này, ông Lê Thanh Hải cho hay, trong lịch sử quan trắc của ngành khí tượng ghi nhận, tần suất bão lớn nhất trong năm tập trung trong 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, 3 tháng này chiếm đến 60% số lượng cơn bão hoạt động. Vào tháng 8-1973 và tháng 8-1995, tần suất “dày” nhất là có 3 cơn bão hoạt động. “Nhưng, mới 12 ngày đầu tháng 8-2013, đã ghi nhận 3 cơn bão. Nếu từ nay đến hết tháng 8 mà ghi nhận thêm 1-2 cơn bão nữa thì sẽ là hiện tượng kỷ lục chưa từng thấy”, ông Lê Thanh Hải phản ánh. 

Theo dõi sát sao những diễn biến phức tạp

Tính đến 16h30 chiều qua, lực lượng bộ đội biên phòng tuyến biển đã thông báo cho hơn 67.300 phương tiện/gần 284.000 ngư dân biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Trong quá trình di chuyển tránh áp thấp nhiệt đới, 1 thuyền viên trên tàu cá của Bình Định đã bị rơi xuống biển, mất tích vào hôm qua. Các lực lượng chức năng đang tìm kiếm. 

Tại cuộc họp BCĐ PCLB Trung ương vào tối qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lo ngại, mặc dù theo dự báo, bão số 7 ít có khả năng đi vào Vịnh Bắc bộ nhưng lại gây gió lớn và mưa to khắp các tỉnh miền Bắc, trọng tâm là Đông Bắc bộ. Trong khi, khu vực này vừa hứng chịu 2 cơn bão liên tiếp, mưa lớn kéo dài làm tăng nguy cơ sạt lở, ngập lụt và lũ quét. Vì vậy, các tỉnh, thành cần tập trung, chủ động ứng phó. “Có thể xem xét hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng phải thực hiện cấm biển. Cần theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão số 7 vì cơn bão này rất mạnh và còn có những diễn biến phức tạp, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB thành phố, bão số 6 kèm theo mưa lớn đã gây ra 36 sự cố về đê điều và công trình thuỷ lợi, tập trung trên các tuyến đê tả, hữu sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, Cà Lồ, sông Nhuệ. Các sự cố trên các tuyến đê chủ yếu là sạt lở mái, cơ đê do mưa lớn. Các sự cố lớn như đoạn đê Cầu Ngà, trên sông Cầu Ngà thuộc hệ thống thuỷ lợi sông Nhuệ đã bị tràn dài gần 1.000m; đáy cống Trạm bơm Văn Trai, xã Văn Hoàng và Trạm bơm Đào Xá, xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên) bị lở. Các sự cố trên đã được Ban Chỉ huy PCLB thành phố phối hợp với các địa phương xử lý bảo đảm an toàn đê điều.